Thế giới

Lạm phát tháng 11 của khu vực đồng Euro cao nhất trong vòng 25 năm

Câu hỏi đặt ra là ECB sẽ giải quyết vấn đề lạm phát cao như thế nào trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp cùng với đó là sự xuất hiện biến chủng Omicron.

Theo dữ liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vào thứ Ba ngày 30/11, lạm phát khu vực đồng Euro đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 11, nguyên nhân chủ yếu do chi phí năng lượng leo thang. Lạm phát có xu hướng tiếp tục gia tăng và khả năng đạt đỉnh trước khi giảm chậm.

Cụ thể, hàng hóa và dịch vụ tại khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) trở nên đắt đỏ hơn trong tháng qua khi tỷ lệ lạm phát đạt 4,9%. Đây là mức cao nhất trong vòng 25 năm kể từ ghi con số này được ghi nhận, tăng từ mức 4,1% một tháng trước đó và vượt xa so với dự báo 4,5%.

Lạm phát tăng cao do chịu ảnh hưởng từ giá năng lượng. Theo văn phòng thống kê của Châu Âu (Eurostat), năng lượng đang trên đà tăng giá hàng năm cao nhất vào tháng 11 ở mức 27,4%, từ mức 23,7% trong tháng 10.

Lạm phát tại Đức tăng lên mức cao nhất trong vòng 29 năm qua vào tháng 11, tăng 6% so với một năm trước đó. Xu hướng tương tự ở Pháp, nơi ghi nhận tỷ lệ lạm phát lên tới 3,4% trong tháng 11, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Bảng hiệu cho thấy quy tắc 2-G được áp đặt ở một số nơi tại Đức nhằm kiểm soát tình trạng dịch bệnh lây lan. Ảnh: Getty Image.

Theo hãng tin Reuters, mặc dù lạm phát hiện cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2%, nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa phát đi tín hiệu về khả năng hành động chính sách nào. Hiện tại, ECB vẫn giữ quan điểm cho rằng lạm phát tăng đột biến gần đây là tạm thời, áp lực giá cả sẽ giảm bớt theo thời gian và sau đó sẽ  nằm theo ngưỡng mục tiêu mà ngân hàng này đề ra vào năm 2022. Theo ECB,  hành động chính sách bây giờ sẽ phản tác dụng vì gây cản trở tăng trưởng kinh tế ngay khi lạm phát tự giảm bớt.

Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng lạm phát cao, dù mang tính tạm thời, cũng có thể gây ảnh hưởng đến giá cơ bản và tạo ra áp lực khi các công ty điều chỉnh chính sách tăng lương. 

Câu hỏi đặt ra là ECB sẽ giải quyết vấn đề lạm phát cao như thế nào trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp cùng với đó là sự xuất hiện biến chủng Omicron gần đây. ECB sẽ có cuộc họp tiếp theo vào ngày 16/12 về  kế hoạch kích thích kinh tế khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1,85 nghìn tỷ euro dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3 năm sau, nhưng có khả năng sẽ tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế khác.

Hà Thanh (theo CNBC, Reuters)