Thế giới

Lạm phát tại Nhật Bản lên mức cao nhất 8 năm

Giá hàng hóa tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá dịch vụ chỉ tăng 0,2%, có nghĩa là lạm phát của Nhật Bản vẫn chủ yếu bị ảnh hưởng bởi chi phí.

Chính phủ Nhật Bản hôm 21/10 cho biết, giá tiêu dùng lõi của quốc gia này tăng 3,0% trong tháng 9 trong bối cảnh đồng Yên giảm và chi phí năng lượng tăng ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình.

Sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản trên toàn quốc (không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm chi phí nhiên liệu), phù hợp với dự báo thị trường trung bình và tăng 0,2% so với tháng 8.

Chỉ số lạm phát ở Nhật đã duy trì trên mức mục tiêu 2,0% mà ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đặt ra trong 6 tháng qua. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất kể từ tháng 9/2014, theo dữ liệu công bố sáng 21/10.

Chỉ số lạm phát lõi tháng 9, không bao gồm thực phẩm tươi sống và chi phí năng lượng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, là tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 3/2015. Hồi tháng 8, chỉ số này chỉ ở mức 1,6%.

Biểu đồ biến động giá cả ở Nhật Bản từ 2014 đến nay. Ảnh: Reuters

Trong khi giá hàng hóa tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giá dịch vụ chỉ tăng 0,2%. Điều này có nghĩa là lạm phát của Nhật Bản vẫn chủ yếu bị ảnh hưởng bởi chi phí.

“Phần lớn sự tăng giá hiện tại là do giá nguyên liệu thô tăng”, trong khi giá dịch vụ liên quan đến tiền lương không có mức tăng đáng kể, ông Taro Saito, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI cho biết trước khi dữ liệu lạm phát được công bố. Ông dự đoán sẽ mất thêm thời gian để Nhật Bản đạt được lạm phát ổn định thông qua tăng lương và tăng giá dịch vụ.

Vào tháng 10, giá khoảng 6.700 mặt hàng thực phẩm đã được tăng lên, theo khảo sát của Teikoku Databank. Một báo cáo cho thấy thẻ giá trên 20.000 mặt hàng thực phẩm đã được dỡ bỏ, làm tăng chi phí của các hộ gia đình lên ít nhất 70.000 Yên (466,16 USD) mỗi năm.

Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương tiếp tục giảm sau lạm phát. Dữ liệu tiền lương thực tế mới nhất cho thấy mức giảm 1,7% so với năm trước.

“Lạm phát tháng 10 có thể lên tới 3,3% hoặc 3,4% do giá thực phẩm tăng, phí điện thoại di động tăng và giá dịch vụ tăng”, bà Mari Iwashita, chuyên gia kinh tế thị trường trưởng tại Daiwa Securities nhận định.

Chỉ số CPI Nhật Bản từ 1990-nay. Ảnh: Bloomberg

Để chống lại tác động của lạm phát, Thủ tướng Fumio Kishida đang soạn một gói kích thích kinh tế bổ sung vào cuối tháng này, bao gồm hỗ trợ cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng nhanh.

Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết ông sẽ triển khai các biện pháp cứu trợ để chống lại hóa đơn tiền điện tăng sớm nhất vào tháng 1/2023. Theo ông Kishida, trợ cấp xăng dầu và khí đốt cũng sẽ được áp dụng sau tháng 1/2023. Chỉ số lạm phát mạnh mẽ trong tháng 9 có thể gây áp lực cho ông trong việc thực hiện gói kích thích của tháng này.

BOJ được cho là sẽ nâng dự báo lạm phát tiêu dùng lõi cho năm nay lên trên 2%. Tuy nhiên, Thống đốc Kuroda tiếp tục kỳ vọng rằng tăng trưởng giá sẽ suy yếu dưới 2% trong năm tài chính tới và trong tương lai.

Trong khi các ngân hàng trung ương khác đã chọn tăng lãi suất để chống lại lạm phát leo thang, BoJ cho rằng việc tăng giá hiện tại là do các sự kiện đặc biệt như cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã mắc kẹt với chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo và đi ngược lại xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Khoảng cách ngày càng lớn giữa chính sách của BOJ và chính sách thắt chặt thị trường ở những nơi khác đã khiến đồng Yên lao dốc.

Đồng Yên giảm 0,3% xuống 150,29/USD, mức chưa từng thấy kể từ năm 1990, vào cuối phiên giao dịch tại Mỹ hôm 20/10. Trong năm nay, đồng Yên đã giảm 23% so với đồng bạc xanh, dù chính phủ Nhật đã chi gần 20 tỷ USD và đưa ra hàng loạt cảnh báo nhằm cứu đồng tiền này khỏi đà trượt giá.

Nguyễn Tuyết (Theo News 18, Bloomberg, Reuters)