Thế giới

Lạm phát tại Mỹ "đang lan rộng như cháy rừng"

Các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị thiệt hại nặng nề bởi “những đợt tấn công” của đại dịch Covid-19 và giờ đây đang căng sức trước nhu cầu tiêu dùng trên đà hồi phục.

Bộ Lao động Mỹ (WHD) vào thứ Tư ngày 10/11 đã báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng giá tiêu dùng Mỹ tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/1990, đây lần thứ năm liên tiếp lạm phát vượt trên 5% trong năm nay. 

Nguyên nhân lạm phát cao

Theo CNBC, sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và nhu cầu mua sắm tăng vọt vào kỳ nghỉ lễ cuối năm đã thúc đẩy lạm phát cao trong một loạt ngành công nghiệp. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị thiệt hại nặng nề bởi “những đợt tấn công” của đại dịch Covid-19 và giờ đây đang căng sức trước nhu cầu tiêu dùng trên đà hồi phục. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động và hoạt động sản xuất vẫn bị gián đoạn tại nhiều nơi trên thế giới cũng là những yếu tố kết hợp đẩy chi phí vận chuyển và lạm phát tăng cao.

Theo ông Sung Won Sohn, nhà kinh tế tại Đại học Loyola Marymount, tình trạng thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu mà không có dấu hiệu giảm bớt. Ông cho biết: “Lạm phát đang lan rộng như cháy rừng”. “Tiền lương và tiền công tăng lên do các doanh nghiệp nâng mức lương cùng các lợi ích khác nhằm thu hút lao động”.

Ông Powell, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (FED), nhận định: “Lạm phát mà chúng ta đang thấy thực sự không phải do thị trường lao động thắt chặt, mà do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt hàng hóa trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trên đà hồi phục nhanh”. “Rất khó để dự đoán các tác động của chuỗi cung ứng đối với lạm phát. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở lại hoạt động bình thường nhưng thời điểm của điều đó là không chắc chắn”.

Các tàu hàng container tắc nghẽn tại cảng Los Angeles, bang California, Mỹ, vào thứ Tư ngày 13/10/2021. Ảnh: Getty Images.

Nỗ lực khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng

Theo CNBC, việc lạm phát tăng mạnh có thể gây sức ép lên chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden nói riêng hay bất kỳ ứng viên nào thuộc Đảng Dân chủ nói chung tham gia bầu cử vào năm 2022. 

Vào thứ Ba ngày 9/11, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ làm việc với Công binh lục quân (ACE) - cơ quan quản lý xây dựng và thiết kế các công trình công cộng hàng đầu Mỹ - về kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD xây dựng các công trình tại các cảng ven biển, đường thủy nội địa cũng như các cơ sở hạ tầng khác của cơ quan này. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền nhằm giải quyết thách thức trước mắt trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một vị quan chức cấp cao giấu tên cho biết Mỹ cũng ưu tiên triển khai 3,4 tỷ USD nâng cấp các công trình cảng biển đã cũ kỹ tại biên giới phía Bắc và phía Nam để nhằm cải thiện lưu thông thương mại quốc tế qua khu vực này.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư ngày 10/11 đã đến thăm cảng Baltimore để thảo luận về việc triển khai dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.000 tỷ USD, nâng cấp hệ thống cảng biển và củng cố chuỗi cung ứng.

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Lael Brainard (trái) cùng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell (phải). Ảnh: The Guardian.

Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell, các báo cáo lạm phát “nóng" như trên có thể tồn tại thêm một thời gian nữa trước khi hạ nhiệt.

Theo ông Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng tại Công ty dịch vụ tài chính PNC Financial Services, mức lạm phát sẽ giảm vào hai tháng cuối năm 2021. Ông nhận định: “Mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng nhìn chung thời kỳ tồi tệ nhất của đợt lạm phát đã qua”.

Phạm Thu Thanh (theo CNBC)