Thế giới

Lạm phát ở Mỹ giảm nhiệt

Lạm phát tháng 7 ở Mỹ đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ dù giá năng lượng đã hạ nhiệt.

Bộ Lao động Mỹ hôm 10/8 công bố báo cáo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, giảm từ 9,1% trong tháng 6. Tháng 6 đánh dấu tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ tháng 11/1981.

CPI là chỉ số đo lường giá người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ. CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm thường xuyên biến động, giữ ổn định trong tháng 7, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, một dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả vẫn tồn tại trong nền kinh tế Mỹ.

Tính theo tháng, CPI đi ngang trong tháng 7 sau khi tăng 1,3% trong tháng trước đó do giá năng lượng, đặc biệt là xăng, giảm.

CPI lõi đã tăng 0,3% vào tháng trước, giảm mạnh so với mức tăng 0,7% của tháng 6, nhưng cao hơn một chút so với mức tăng trung bình hàng tháng là 0,2% trong 2 năm trước đại dịch.

Áp lực về giá đã giảm bớt đối với giá năng lượng, với giá xăng giảm 7,7% trong tháng 7 so với tháng trước đó. Giá ô tô đã qua sử dụng, tăng mạnh trước đó trong đại dịch, cũng giảm dần theo tháng. Giá vé máy bay và quần áo cũng tuân theo xu hướng này.

Giá hàng tạp hóa đã tăng 1,3% trong tháng 7 so với tháng trước đó và tăng 13,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ năm 1979. Chi phí ăn uống cũng tăng.

Biểu đồ cho thấy sự thay đổi trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ từ tháng 1/2022 đến tháng 7/2022. Nguồn: Cục Thống kê Lao động Mỹ. Đồ họa: CNBC

Biểu đồ cho thấy sự thay đổi trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi ở Mỹ, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, từ tháng 1/2022 đến tháng 7/2022. Nguồn: Cục Thống kê Lao động Mỹ. Đồ họa: CNBC

Việc giá cả tăng nhanh đã trở nên dai dẳng sau sự gia tăng lạm phát từ hàng hóa, năng lượng và thực phẩm, ông Greg Daco, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn EY-Parthenon, cho biết.

"Xu hướng phân kỳ đó cho thấy bề rộng lạm phát mà trong đó lạm phát nhà ở và lạm phát khu vực dịch vụ vẫn tăng", ông Daco nói, đồng thời cho biết thêm, áp lực giá cả ở những khu vực này có thể kéo dài. “Và chúng có xu hướng dai dẳng hơn so với lạm phát hàng hóa, một chỉ số có thể và sẽ bắt đầu đảo ngược”.

Lạm phát tăng cao là “phụ phẩm” của tăng trưởng nhanh khi Mỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19, một phần được thúc đẩy bởi lãi suất thấp hơn và kích thích tài khóa chưa từng có tiền lệ của chính phủ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đối mặt với thách thức thắt chặt chính sách tiền tệ để hạ nhiệt thị trường lao động nóng và giảm nhu cầu ở mức vừa đủ để kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Các quan chức Fed đã nâng lãi suất trong cả tháng 6 và tháng 7, và sẽ nhóm họp vào tháng 9 để xem xét thêm. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương Mỹ muốn thấy bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng áp lực giá đang giảm xuống trước khi làm chậm hoặc đình chỉ việc tăng lãi suất.

Minh Đức (Theo Wall Street Journal, CNBC)