Thế giới

Lạm phát ở Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1998

Cuộc xung đột tại Ukraine, giá hàng hoá toàn cầu gia tăng, khí hậu khắc nghiệt như bão và nắng nóng đã gây thêm sự bất ổn cho triển vọng về giá cả của Hàn Quốc.

Lạm phát của Hàn Quốc đã tăng nhanh hơn nữa trong tháng 7, gây sức ép đối với ngân hàng trung ương (NHTW) nước này trong việc tiếp tục nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế đà tăng giá cả. 

Giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á trong tháng vừa qua đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức 6% trong tháng 6 và là tốc độ nhanh nhất kể từ mức tăng 6,8% vào tháng 11/1998.

Chi phí vận tải tăng 15,3%, giá tại khách sạn và nhà hàng tăng 8,3%, giá thực phẩm và đồ uống tăng 8%, giá hàng hóa và dịch vụ gia dụng tăng 5,1% so với một năm trước. Lạm phát phần lớn đã phù hợp với dự báo và có thể duy trì trên 6% trong một thời gian tới, NHTW Hàn Quốc cho biết.

Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, giá hàng hoá toàn cầu gia tăng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt như bão và nắng nóng đã gây thêm sự bất ổn cho triển vọng về giá cả. Các nhà hoạch định chính sách nước này dự báo đà tăng giá cả sẽ tiếp tục duy trì trong vài tháng trước khi bắt đầu giảm tốc, theo hãng tin Bloomberg.

Mọi người đi bộ trong khu mua sắm ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào ngày 16/3/2022. Ảnh: Channel News Asia.

Trước đó một ngày, Thống đốc NHTW Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho biết có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% trong tháng 8. Cuộc họp tiếp theo của NHTW Hàn Quốc về việc nâng lãi suất sẽ diễn ra vào ngày 25/8 tới. Hôm 13/7, Hàn Quốc đã quyết định nâng mức lãi suất cơ bản từ 1,75% lên 2,25%, đây là mức lãi suất cao nhất của nước này kể từ năm 1999 và là lần đầu tiên trong lịch sử lãi suất cơ bản tăng ở mức 0,5%.

Chuyên gia kinh tế Lee Seung-suk tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc chia sẻ: “Áp lực lên NHTW trong việc nâng lãi suất sẽ gia tăng, tương tự như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nếu những lần tăng lãi suất trước đó không kìm hãm được sự gia tăng của tiền lương và giá dầu”. Ông Lee cho biết thêm: "Lạm phát đã khiến tiền lương tăng, bây giờ tiền lương bắt đầu thúc đẩy lạm phát".

Nền kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại đã ghi nhận tăng trưởng trong quý trước bất chấp hoạt động xuất khẩu "hạ nhiệt", nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và các biện pháp hạn chế liên quan tới Covid-19 được nới lỏng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trog quý II/2022 đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, US News)