Thế giới

Lạm phát Nhật Bản vượt quá mục tiêu của NHTW tháng thứ 3 liên tiếp

Nhật Bản vẫn duy trì mức lãi suất cực thấp, ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Lạm phát của Nhật Bản trong tháng 6 vừa qua đã đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp vượt quá mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phải đối mặt với áp lực từ giá nguyên liệu thô toàn cầu tăng cao, khiến chi phí nhập khẩu của nước này gia tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản trong tháng 6, không bao gồm sự biến động của chi phí thực phẩm nhưng có tính giá năng lượng, đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ chính phủ nước này.

Nếu loại bỏ cả chi phí thực phẩm và nhiên liệu, giá tiêu dùng tại Nhật Bản trong tháng 6 đã chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2016.

Theo hãng tin Aljazeera, các nhà phân tích nhận định sự tăng giá thực phẩm và nhiên liệu, một phần nguyên nhân do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine và đồng Yên yếu làm tăng giá nhập khẩu, sẽ khiến lạm phát tiêu dùng cốt lõi tại Nhật Bản cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Trung ương nước này trong phần lớn thời gian vào năm nay.

Nhìn chung, tốc độ tăng giá ở Nhật Bản vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng giá cả tại Mỹ và các nền kinh tế châu Âu. Bởi tốc độ tăng lương và đà phục hồi tiêu dùng ở Nhật Bản ở mức chậm, khiến các công ty nước này e ngại trong việc tăng giá bán.

Trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 25/4/2022. Ảnh: Getty Images.

Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho biết lạm phát ở khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng Euro đã lên tới 8,6% trong tháng 6/2022, nhảy vọt so với mức lạm phát kỷ lục cũ 8,1% trong tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh tháng 6 vừa qua cũng đã tăng lên 9,4%, mức cao nhất trong vòng 40 năm và tăng từ mức 9,1% của tháng 5.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới đây đã nâng dự báo lạm phát tiêu dùng cốt lõi cho năm tài chính hiện tại (từ ngày 1/4/2022 đến 31/3/2023) lên 2,3%, cao hơn so với ước tính 1,9% được đưa ra trước đó. Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất ở mức cực thấp ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hạ nhiệt áp lực giá cả.

Chuyên gia kinh tế Adachi của công ty dịch vụ tài chính đến từ Thụy Sĩ UBS nhận định: Lợi ích của việc đồng Yên giảm giá cần tận dụng một cách khéo léo. Các công ty xuất khẩu cần tăng cường đầu tư vào cơ sở sản xuất và nguồn nhân lực, đồng thời cũng phải tiến hành các cải cách mang tính cơ cấu".

Phạm Hà Thanh (theo Aljazeera, Bloomberg)