Thế giới

Lạm phát khu vực đồng tiền chung Euro lập kỷ lục mới trong tháng 7

Lạm phát ban đầu gia tăng bởi chuỗi cung ứng tắc nghẽn từ đại dịch, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá năng lượng, kim loại và thực phẩm châu Âu tăng cao hơn nữa.

Lạm phát khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 7 và có thể lên tới đỉnh trong vài tháng nữa, gây ra sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc ra quyết định một đợt nâng lãi suất lớn vào tháng 9, theo hãng tin Reuters.

Dữ liệu từ Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), cho thấy giá tiêu dùng ở khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro trong tháng 7 vừa qua đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát trong tháng 7 đã tiếp tục lên một mức cao mới từ mức tăng 8,6% của tháng trước, vượt xa mục tiêu 2% của ECB.

Lạm phát ban đầu gia tăng bởi sự tắc nghẽn nguồn cung liên quan đến đại dịch Covid-19, gần đây những tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá năng lượng, kim loại và thực phẩm lên cao hơn nữa. Trong khi giá năng lượng vẫn là yếu tố chính thúc đẩy lạm phát, giá thực phẩm chế biến và dịch vụ cũng đã tăng lên cho thấy lạm phát đang ngày càng lan rộng.

Giá năng lượng tại châu Âu trong tháng 7 đã tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái do lo ngại về nguồn cung khí đốt bị gián đoạn, chỉ giảm nhẹ so với mức tăng của tháng trước. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá trong tháng 7 đã tăng 9,8%, vượt quá mức tăng của tháng trước do chi phí vận tải cao hơn, xung đột tại Ukraine đã gây biến động và thiếu hụt nguồn cung.

Nhằm kiểm soát đà tăng giá cả, trong tháng này ECB đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5% lần đầu tiên trong vòng 11 năm và cho thấy dấu hiệu có thể tăng lãi suất hơn nữa.

Hình ảnh tại thành phố Cologne, Đức vào ngày 19/2/2022. Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Ảnh: Getty Images.

Quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro là Đức đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay xuống còn 2,2%, giảm từ mức dự báo 3,6% đưa ra hồi đầu năm. Sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Đức hiện phải đối mặt với những rủi ro do cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng đến giá cả và chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp. Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố mới đây, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 0,9% trong quý II vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, GDP Mỹ đã giảm 1,6% vào quý I trước đó. Điều này làm dấy lên quan ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, trong bối cảnh lạm phát hiện ở mức cao nhất trong vòng hơn 40 năm.

Rủi ro của châu Âu phần lớn đến từ việc khu vực này phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, với khả năng Moscow sẽ giảm hơn nữa dòng chảy khí đốt tự nhiên vốn dùng để cung cấp cho các nhà máy, tạo ra điện và sưởi ấm các ngôi nhà tại châu Âu vào mùa đông.

Vào tuần này, các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt tự nhiên so với mức trung bình trong giai đoạn 2017-2021.

Hội đồng châu Âu cho biết trong một tuyên bố: "Các quốc gia thành viên đã nhất trí giảm 15% nhu cầu khí đốt từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023 so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm trước, thông qua những biện pháp do các quốc gia lựa chọn". 

Các biện pháp khả thi như giảm lượng tiêu thụ khí đốt trong lĩnh vực điện, khuyến khích chuyển đổi nhiên liệu trong lĩnh vực công nghiệp, các chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia, các nghĩa vụ liên quan đến hệ thống sưởi và làm mát.

Tuy nhiên, các quốc đảo như Malta, Cyprus và Ireland được miễn trừ khỏi mục tiêu 15% này, do các nước này không được kết nối với mạng lưới khí đốt của EU.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuters, France24)