Thế giới

Lạm phát gia tăng ở nền kinh tế lớn nhất châu Á có là tạm thời?

Dữ liệu mới công bố về lạm phát sẽ không cản trở Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc thực hiện các biện pháp nới lỏng hơn nữa, bao gồm cả hạ lãi suất.

Dự báo mới nhất về triển vọng lạm phát giá tiêu dùng và tại cổng nhà máy của Trung Quốc sẽ tạo thêm dư địa cho Ngân hàng Trung ương nước này nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới, trang South China Morning Post đưa tin.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố gần đây cho thấy, giá tại cổng nhà máy (FGP) của Trung Quốc tăng chậm hơn so với dự kiến trong tháng 12/2021, nhờ nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm hạ nhiệt giá nguyên liệu.

Chỉ số giá sản xuất chính thức (PPI) của Trung Quốc, phản ánh giá mà các nhà máy tính phí cho các nhà bán buôn đối với sản phẩm, đã tăng 10,3% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm 2020, giảm so với mức tăng 12,9% trong tháng 11/2021, theo NBS.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại đã nhanh hơn dự báo, và nó khớp với sự suy giảm tương tự trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. CPI đã tăng 1,5% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm trước đó, giảm so với mức tăng 2,3% trong tháng 11/2021, và cũng đánh bại các dự báo.

Lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc tính đến tháng 12/2021: Biểu đồ thể hiện lạm phát giá thực phẩm, lạm phát giá hàng hóa không phải thực phẩm và lạm phát toàn phần. Ảnh: SCMP

“Lạm phát ở Trung Quốc đã giảm trở lại vào tháng trước, phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng việc giá cả tăng nhanh trong những tháng trước đó chỉ là tạm thời”, Sheana Yue, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết.

Vị chuyên gia này nhận định, lạm phát tại cổng nhà máy sẽ tiếp tục ở mức vừa phải, thậm chí là có thể sẽ có xu hướng giảm hơn nữa trong những tháng tới; và lạm phát giá tiêu dùng sẽ vẫn ở mức thấp, với CPI sẽ duy trì ở mức dưới 2% trong suốt phần lớn năm nay.

“Do đó, chúng tôi không cho rằng những lo ngại về lạm phát sẽ cản trở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện các biện pháp nới lỏng hơn nữa, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất chính sách”, Yue cho biết.

Lĩnh vực bất động sản hạ nhiệt và đầu tư cơ sở hạ tầng truyền thống chưa phục hồi đã khiến nhu cầu hàng hóa càng thêm yếu hơn, Liu Jing, một nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng HSBC, cho biết.

“Các chính sách đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá tiếp tục có hiệu lực trong tháng 12, giá dầu thô và các mặt hàng khác đi xuống đồng nghĩa với việc giá sản xuất cũng giảm nhẹ”, Dong Lijuan, chuyên gia thống kê cấp cao của NBS, cho biết.

Trong cả năm 2021, CPI của Trung Quốc tăng 0,9%, theo NBS, giảm từ mức tăng 2,5% vào năm 2020, sau khi Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng CPI năm 2021 là khoảng 3%.

PPI của Trung Quốc đã tăng 8,1% vào năm 2021, NBS cho biết thêm.

Minh Đức (Theo South China Morning Post)