Thế giới

Lạm phát gia tăng, khó khăn bủa vây nền kinh tế thế giới

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) Eurostat cho biết, tỉ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5.

Theo Eurostat, lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone tăng lên mức kỷ lục 8,1% trong tháng 5 (cao nhất kể từ năm 1997) so với mức 7,4% trong tháng 4. Nguyên nhân chính vẫn là chi phí năng lượng và lương thực tăng cao do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine.

Theo hãng tin AP, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế tại Capital Economics dự báo lạm phát năng lượng sẽ tiếp tục tăng, sau khi EU đồng thuận cấm vận hoàn toàn dầu Nga vào cuối năm nay. Hành động trừng phạt Nga là "con dao 2 lưỡi", tăng gánh nặng lên người dân và các doanh nghiệp châu Âu vốn đang phải vật lộn với chi phí năng lượng - hiện đã tăng 39,2%.

Sự tăng vọt của giá dầu và khí đốt không chỉ do thiếu hụt trực tiếp mà còn do tâm lý lo ngại cuộc xung đột kèm gián đoạn nguồn cung sẽ còn kéo dài. Thêm vào đó là nhu cầu toàn cầu tăng lại mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19 và cách tiếp cận thận trọng để tăng sản lượng từ các tập đoàn dầu mỏ thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Các nước láng giềng đã ngừng sử dụng dầu Nga là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỉ lệ lạm phát ở Estonia đạt 20%, trong khi ở Lithuania là 18,5%, Latvia là 16,4%.

Xung đột tại Nga - Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh. (Ảnh minh họa).

Báo cáo của Eurostat cũng cho thấy, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 7,5% trong tháng 5, liên quan mật thiết đến việc gián đoạn nguồn cung lúa mì và nhiều mặt hàng nông sản từ Nga - Ukraine. Các mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng, ôtô, máy tính và sách tăng 4,2%, giá cả dịch vụ tăng 3,5%.

Đà tăng liên tục của giá cả đã gây sức ép lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

ECB cho biết, ngân hàng này có kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7 để kiểm soát đà tăng của lạm phát và dự kiến sẽ chính thức chấm dứt chương trình mua trái phiếu sớm nhất vào tuần tới.

Với việc tăng lãi suất, ECB sẽ nối gót các các ngân hàng trung ương lớn khác đã thực hiện các biện pháp kiểm soát tình trạng lạm phát lan rộng trên toàn cầu.

Nhà kinh tế của ECB, Philip Lane cho rằng EU sẽ tăng lãi suất một cách thận trọng, với một đợt tăng 25 điểm cơ bản trong tháng 7 và một lần nữa vào tháng 9.

Tương tự 19 quốc gia thành viên Eurozone, quốc gia ngoài khu vực đồng Euro là Ba Lan cũng không thoát khỏi tình cảnh đó khi đang phải chịu mức lạm phát 13,9%, cao nhất trong 24 năm qua. Anh, Mỹ cũng đang bị lạm phát bủa vây. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào đầu tháng 5, trong khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất 4 lần liên tiếp.

Ở châu Á, ngoài việc vật lộn với giá nguyên liệu thô tăng cao, các nhà máy châu Á còn bị giáng một đòn mạnh từ chính sách zero-Covid-19 của Trung Quốc. Các hạn chế kéo dài của nước này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm nhu cầu tiêu thụ.

Theo Asia Financial, hàng tồn kho thành phẩm ở Trung Quốc đang tăng vọt, chứng tỏ tình trạng giảm phát trong nước, từ đó ảnh hưởng đến mối quan hệ xuất nhập khẩu với nhiều nước.

Nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo, Toru Nishihama nhận định: "Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa có thể dần giảm bớt sau khi Thượng Hải dỡ bỏ các hạn chế về quy định phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên, lạm phát gia tăng đang buộc một số ngân hàng trung ương châu Á thắt chặt chính sách tiền tệ, ngoài ra còn có nguy cơ biến động thị trường từ việc Mỹ tăng lãi suất. Với những rủi ro như vậy, nền kinh tế châu Á có thể vẫn tăng trưởng thấp trong năm nay".

Quốc Tiệp (theo Người lao động, TTXVN/Vietnam+)