Góc nhìn luật gia

Làm giả giấy xét nghiệm để “thông chốt”, 9X khó thoát lao lý

Một đường dây làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 để “thông chốt” vừa bị công an tỉnh Bắc Ninh triệt phá.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nghi phạm cầm đầu đường dây là Phan Đình Hải (25 tuổi, ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Theo cơ quan công an, Hải là lái xe tải chở hàng đi các tỉnh và cần có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 để đi qua các chốt kiểm dịch.

Hải nghĩ cách làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ ở phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh để “thông chốt” và bán cho nhiều người.

Trong số này, Nguyễn Bá Tú (34 tuổi, ở xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) mua lại với giá 180.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm nhanh và 500.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR.

Sau đó, Tú tiếp tục bán lại cho các tài xế ôtô với giá 200.000 đồng một phiếu xét nghiệm nhanh và từ 600.000 - 650.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR.

Các tài xế ôtô đã sử dụng phiếu xét nghiệm giả mua của Hải và Tú để đi qua các chốt kiểm dịch. Khi phiếu hết hạn sử dụng, họ nộp cho công ty để được hoàn lại tiền xét nghiệm.

Căn cứ theo thông tin báo chí đăng tải, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Kim Ngân - Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nhận định: Hành vi làm giả và sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của các đối tượng để qua mặt lực lượng chức năng, đi qua các chốt kiểm dịch không chỉ vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự mà còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung.

Chiếu theo quy định pháp luật, hành vi của các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể: “1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”.

Khoản 2 điều này quy định, người phạm tội trong các trường hợp: Có tổ chức, Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;... thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

“Do vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra làm rõ, mức độ, hành vi phạm tội của các đối tượng. Từ đó áp dụng mức xử phạt tương xứng, nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung”, luật sư Ngân nói.

Cùng trao đổi về sự việc này, Ths. Luật gia Trần Quang Hòa (Hòa Bình) nói: Hành vi các tài xế ôtô sử dụng phiếu xét nghiệm giả mua của Hải và Tú để đi qua các chốt kiểm dịch rồi nộp lại cho công ty để được hoàn tiền xét nghiệm có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,

“Các đối tượng đã có hành vi gian dối, qua mắt công ty bằng việc xuất trình tài liệu là giấy xét nghiệm giả để được công ty hoàn tiền xét nghiệm, từ đó chiếm đoạt số tiền này. Như vậy có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 BLHS năm 2015”, luật gia Hòa cho hay.

Theo luật định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm,…”.

Các chuyên gia pháp lý cùng cho rằng: Hành vi của các đối tượng trong sự việc này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp tới quyền sở hữu tài sản của công dân, tổ chức; gây mất trật tự trị an, bất bình trong quần chúng nhân dân nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).