Đối thoại

Làm gì khi thị trường ngành lâm nghiệp còn dư địa, nhưng tài nguyên đã gần hết?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nếu không chuẩn bị ngay các điều kiện cho sự phát triển của lâm nghiệp trong thời gian tới, “cái áo” thị trường sẽ trở nên chật chội.

Ngày 16/5, phát biểu tại Hội thảo “Định hướng phát triển Khoa học Công nghệ (KHCN) và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) diễn ra tại Trường Đại học Lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Quốc Doanh nhận định nông nghiệp nước ta dù còn gặp nhiều khó khăn về thị trường đối với nhiều lĩnh vực, song vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển, đặc biệt đối với gỗ và sản phẩm đồ gỗ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Quốc Doanh phát biểu tại sự kiện

"Cái áo" sẽ tới lúc chật

Ông chỉ rõ một số trường hợp quốc tế, Mỹ đánh giá Việt Nam là một đất nước có trách nhiệm, minh bạch, từ nguyên liệu đầu vào, chứng minh được xuất xứ đầu vào của nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, ở thị trường EU, Việt Nam đã kết thúc đàm phán, mở ra được rất nhiều dư địa. 

Năm 2010, giá trị xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD từ các sản phẩm đồ gỗ. Năm 2021, Covid tác động mạnh đến mọi ngành nghề, nhưng Việt Nam cũng đạt giá trị xuất khẩu xấp xỉ 19 tỷ USD. Như vậy, là tăng khoảng 16 tỷ trong vòng 11 năm. 

Hơn nữa, Thứ trưởng Doanh bổ sung thêm, xuất siêu cũng đã chạm mốc trên 13 tỷ USD. Cả nền kinh tế xuất siêu 3 tỷ, riêng lâm nghiệp là 13 tỷ. Qua đó, thể hiện nguyên liệu đầu vào của chúng ta - gỗ rừng trồng, là nguyên liệu đầy hứa hẹn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. 

Không chỉ vậy, với thị trường nội địa, diện tích che phủ đã đạt trên 42%. Chất lượng che phủ cũng đã có sự cải tiến đáng kể. Từ đó, chúng ta có thể đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ, nội thất cho 100 triệu dân Việt Nam.

Mặt khác, có một cải tiến lớn về vấn đề môi trường, “Trước kia chúng ta làm gì dám nghĩ đến việc thu phí dịch vụ môi trường rừng. Vậy mà năm ngoái đạt xấp xỉ 3.200 tỷ đồng, tương đương trên 150 triệu USD qua công tác này", ông Doanh nhấn mạnh. 

Từ đó, Thứ trưởng cho rằng, nếu chúng ta không chuẩn bị ngay các điều kiện cho sự phát triển trong thời gian tới thì “cái áo” sẽ bị chật. Nhất là trong điều kiện dư địa tài nguyên không còn. 

Giải thích về điều này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Đất không còn để trồng thêm nhiều rừng nữa, chúng ta không còn nhiều dư địa về tài nguyên. Cho nên, rất cần khoa học công nghệ. Chỉ có khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giúp chúng ta tận dụng cơ hội này".

 Lớn nhanh nhưng phải "chất"

Với thành tựu phát triển lâm nghiệp, ông Doanh nhìn nhận, không thể phủ nhận vai trò to lớn của khoa học công nghệ. Nhờ có khoa học công nghệ thì ngành mới phát triển mạnh như vậy dù trong giai đoạn dịch bệnh. 

Tuy nhiên, để đánh giá việc này là phải nhìn vào một giai đoạn thì mới thấy rõ. Theo đó, ở tầm nhìn dài, Thứ trưởng đề ra những câu hỏi cần các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng chung tay xây dựng và giải quyết những vấn đề còn đang tồn tại.

Cụ thể, cách trồng và chăm sóc cây gỗ lớn phải khác, không chỉ nằm ở việc chăm sao cho mau lớn, mà còn cần chú ý tới vấn đề hạt giống thế nào, thâm canh ra sao… 

Đặc biệt, cần rất nhiều công nghệ mới tham gia vào quá trình này. Từ đó, hàng loạt vấn đề được đặt ra và cần tổ chức khoa học lại từ vấn đề kết nối với các doanh nghiệp cho tới nguyên liệu phân bổ ở các nhà máy chế biến tập trung.

Trả lời những câu hỏi này, đại diện cho các doanh nghiệp, Vinafor (Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, trong giai đoạn tới 2030, sẽ tiếp tục tăng cường, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lý điều hành trong đó ưu tiên ứng dụng một số lĩnh vực công nghệ mang tính đột phá.

Đầu tiên, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ gen trong việc chọn, tạo, sản xuất giống mới vào trồng rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây rừng, giải quyết dịch bệnh, kinh doanh rừng hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ vật liệu mới vào chế biến gỗ để nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng các chế phẩm sinh học, nano trong trồng rừng. Tạo các sản phẩm đa dạng, thân thiện với môi trường.

 Trong giai đoạn đến 2030, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lý điều hành là điều các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu.

Hơn nữa, sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, robot và tự động hóa trong chế biến gỗ. Ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác sử dụng hiệu quả sàn thương mại điện tử, để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; quảng bá, tiếp thị, giới thiệu, bán sản phẩm đồ gỗ trực tuyến trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp có ý kiến gì?

Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất và nghiên cứu, Vinafor đã đề xuất một số kiến nghị với Nhà nước, Bộ NN&PTNT, các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực khoa học công nghệ để quá trình này được diễn ra liền mạch và toàn diện nhất.

Thứ nhất, Nhà nước cần quan tâm đầu tư nghiên cứu để có bộ giống trồng rừng cho năng suất cao, đa dạng chủng loài, có khả năng kháng bệnh tốt, trong đó ưu tiên nghiên cứu tạo giống trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, lâm sản ngoài gỗ.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền giống mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống gốc cho các đơn vị sản xuất giống, đặc biệt là kỹ thuật nhân giống bằng công nghệ mô, phục tráng và trẻ hóa chất lượng giống gốc. Có các mô hình giống tốt kết hợp với các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tiên tiến, phù hợp để nhân rộng vào sản xuất.   

Thứ ba, cần có cơ chế, chính sách để tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất (đặc biệt giữa nhà trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp) dưới các hình thức khác nhau như hợp tác, liên kết để đẩy nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất lâm nghiệp. 

Thứ tư, có chính sách hỗ trợ để thu hút học sinh theo học các chuyên ngành chính về lâm nghiệp (lâm sinh, chế biến gỗ), thu hút sinh viên ra trường về làm các đơn vị thuộc ngành đào tạo, gắn bó với Ngành Lâm nghiệp, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu của ngành.

Thứ năm, cần xem xét nghiên cứu vấn đề xử lý sâu dịch bệnh trong rừng trồng. Đây là thách thức lớn không chỉ ở Việt Nam mà là trên thế giới, hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu, cần trú trọng trong thời gian tới bổ sung vào nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành.

Cuối cùng, cần nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất lâm nghiệp để giải quyết bài toán lao động vì hiện nay ngành lâm nghiệp vẫn sử dụng tỷ lệ lao động cao hơn các ngành khác trong khi thu nhập của người lao động trong ngành không cao, không thu hút được lao động

Trong định hướng phát triển KHCN & ĐMST giai đoạn 2022-2030, Trường Đại học Lâm nghiệp xác định, tiếp tục phát huy các thế mạnh về nghiên cứu trong lĩnh vực Lâm nghiệp, tận dụng cơ hội, chiến lược, các điều kiện phát triển ngành Lâm nghiệp. Trường Đại học Lâm nghiệp phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, lấy cốt lõi Lâm nghiệp là nền tảng phát triển.

Phát triển các lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo theo hướng liên ngành, liên lĩnh vực, tích hợp các nguồn lực để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội theo đặt hàng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng, đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.