Chat với chuyên gia

Làm gì khi bị chồng cũ dọa đánh nếu không cho thăm con?

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở, ngay cả người đang trực tiếp nuôi con.

Bạn đọc hỏi:

Bạn em nhờ hỏi chuyên gia là làm thế nào để ngăn chặn việc chồng cũ suốt ngày doạ đánh nếu không cho anh ta thăm con. Vì mỗi lần anh ta thăm con đều cho con đi theo đến toàn những nơi phức tạp như quán nhậu. (Trần Cung, HN)

Luật sư trả lời:

Chào bạn, chúng tôi rất chia sẻ với những lo lắng, mệt mỏi của bạn trong hoàn cảnh hiện nay bởi người chồng cũ luôn tìm cách quấy phá cuộc sống của bạn.

Về mặt pháp lý thì hai người hoàn toàn không có ràng buộc gì ngoài trách nhiệm với con cái. Những gì mà chồng cũ đang ứng xử với bạn của bạn là vi phạm pháp luật.

Trước hết bạn của bạn hãy cố gắng mềm dẻo, dùng lý lẽ để nói chuyện với anh ta. Nếu không được bạn của bạn nên làm đơn trình báo công an, UBND phường nơi xảy ra vụ việc và công an, UBND phường nơi người chồng cũ cư trú để chính quyền địa phương có biện pháp răn đe, giáo dục người chồng cũ và có biện pháp bảo vệ bạn của bạn.

Nên lưu số điện thoại của tổ trưởng dân phố, tổ trưởng phụ nữ, công an khu vực, trực ban công an phường nơi cư trú để khi xảy ra sự việc có thể được hỗ trợ và lập biên bản ngay.

Bạn của bạn có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm con của chồng cũ nếu việc thăm nom cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Hồ sơ yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con bao gồm:

- Đơn yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con.

- Bản sao quyết định ly hôn có công chứng.

- Bản sao chứng minh thư nhân dân.

- Chứng cứ chứng minh người không trực tiếp nuôi con đã có hành vi ảnh hưởng đến việc chăm sóc giáo dục con.

- Đơn xin xác nhận cư trú chứng minh thẩm quyền khởi kiện.

Người yêu cầu gửi đơn tới tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để được giải quyết.

Hoàng Mai