Sức khỏe

Lạm dụng xông hơi ngừa Covid có thể gây nguy hiểm

Lương Y Nguyễn Hồng Siêm, Chủ Tịch Hội Đông Y Hà Nội cho rằng, việc xông nhiều trực tiếp có thể hại khí ảnh hưởng đến tạng phủ gây suy nhược cơ thể dẫn đến kén ăn.

Gừng, sả, tía tô… lên ngôi

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc mới những ngày này liên tiếp lập đỉnh, hình ảnh nồi xông lá cũng được nhiều người dùng mạng chia sẻ trên mạng xã hội nhằm phòng, ngừa Covid-19.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, nhiều người dân đã tự tìm cho mình những giải pháp phòng tránh dịch bệnh Covid-19 tại nhà bằng các loại thảo dược dân gian như: sả, gừng, chanh, lá bưởi… để xông hơi. Tuy nhiên một số trường hợp sau khi áp dụng cách thực này cảm thấy người mệt mỏi, khó thở.

Ghi nhận của Người Đưa Tin tại các khu chợ dân sinh, được biết nhiều người dân mua hương liệu về xông rất nhiều, nhu cầu tăng nên các mặt hàng lá xông ở các khu chợ dân sinh hầu như đều “cháy hàng”, ngoài kinh doanh các loại rau củ thông thường hàng ngày, các tiểu thương cũng lấy thêm các hương liệu xông về bán kèm.

Bà Nguyễn Thuý (tiểu thương ở khu chợ Cốm, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Thời gian gần đây, F0 ở Hà Nội tăng nhiều, nên ngoài bán rau củ quả, tôi bán thêm sả, gừng, lá bưởi, lá tía tô… rất đắt hàng”.

Các mặt hàng gừng, sả, tía tô đều "cháy hàng".

Theo lời bà Thuý, các mặt hàng như sả, gừng, lá bưởi, tía tô có sự tăng giá nhẹ như: Gừng: 30.000 đồng/kg, sả: 2.000 đồng/3 củ, tía tô: 7.000 đồng/mớ…

Bà Thuý cũng nói vui: “Chưa bao giờ tôi thấy gừng, sả, tía tô lại lên ngôi như bây giờ”.

Trong khi đó, nhiều gia đình không có thời gian đi chợ, muốn tiết kiệm thời gian nên đã lựa chọn mua tinh dầu hương sả đóng chai và các loại thảo dược đóng chai khác ở tiệm thuốc để xông, tắm.

Chị H. (chủ cửa hàng bán thuốc tây trên đường Yên Hoà) cho biết thời gian gần đây nhiều người tìm mua tinh dầu để xông, dẫn đến hiện tượng “cháy hàng”. Các loại chai tinh dầu có giá khác nhau từ vài chục nghìn đồng đến hơn trăm nghìn đồng.

“Nhiều người ra hiệu thuốc chỉ hỏi mua tinh dầu, tôi hỏi ra thì bảo là mua về để xông. Có nhiều người cũng tìm mua tinh dầu sả và máy xông tinh dầu”, chị H. nói.

Không nên lạm dụng xông hơi

Việc nhiều người chia sẻ hình ảnh nồi xông với nhiều loại dược liệu khác nhau và thi nhau xông như vậy để ngừa Covid-19 liệu có đúng? Trao đổi với Người Đưa Tin, Lương Y Nguyễn Hồng Siêm, Chủ Tịch Hội Đông Y Hà Nội cho rằng, việc xông nhiều trực tiếp có thể hại khí ảnh hưởng đến tạng phủ gây suy nhược cơ thể dẫn đến kén ăn.

Theo lương y Siêm, khi người xông toàn thân lạm dụng sẽ nặng hơn xông trực tiếp, dẫn đến cơ thể bị suy nhược, mất nước do tiết mồ hôi liên tục, gây nguy hiểm đến sức khỏe trong thời điểm Covid-19.

Để xông hơi mang lại hiệu quả, lương y Nguyễn Hồng Siêm cho biết thông thường khi xông trực tiếp nên làm trong thời gian từ 10 – 20 phút ít là 1 lần/ 1 ngày, nhiều là 2 lần/ 1 ngày. Đối với tinh dầu chỉ cần 1- 2 giọt, dùng các dược liệu thì khi mua về nên rửa sạch. Không nên lạm dụng việc xông hơi quá nhiều và đặc biệt là không xông toàn thân dễ gây mất nước do mồ hôi tiết ra nhiều.

Theo lương y Hồng Siêm có nhiều nguyên liệu có thể làm nồi xông, tuy nhiên không nên lạm dụng (Ảnh minh họ a).

“Dịch bệnh Covid phức tạp, mọi người đã có tính tự phòng tránh tại nhà là chuyện tốt nhưng không vì thế mà lạm dụng xông hơi. Hạn chế các nơi tụ tập đông người, hạn chế đi lại nếu không quá cần thiết, tuân thủ biện pháp 5K… đó cũng là cách thức phòng tránh cho bản thân trong thời điểm dịch bệnh này”, lương y Siêm cho biết thêm.

Bên cạnh đó, lương y Nguyễn Hồng Siêm cũng cảnh báo, người dân không nên tin vào các loại thuốc, các cách chữa trị Covid-19 không được cơ quan chức năng kiểm duyệt cho phép.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng bệnh Covid-19 nên xông phòng, xông mũi họng bằng thảo dược và lưu ý không xông trực tiếp vào người

Nguyễn Sơn