Sức khỏe

Lạm dụng TPCN để giảm cân, người bệnh phải đến gặp bác sĩ gấp

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết có nhiều bệnh nhân đến khám do uống nhiều loại TPCN giảm cân nhưng không có tác dụng như mong muốn.

Thời gian qua, đặc biệt sau dịp Tết Nguyên đán 2023 nhiều chị em có nhu cầu giảm cân, tuy nhiên không ít người tìm đến mua các loại thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân trôi nổi trên mạng xã hội để dùng và gặp kết đắng.

Thông tin với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết lượng người bệnh đến Viện để khám sau giảm cân khá nhiều.  

Theo PGS.TS Ninh, qua thăm hỏi, được biết hầu như người bệnh đã dùng rất nhiều các phương pháp giảm cân khác nhau, trong đó có người đã dùng TPCN giảm cân khoảng một vài tháng nhưng không có kết quả. Thậm chí, dùng TPCN thấy giảm cân nhưng rồi lại tăng cân.

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh chia sẻ với Người Đưa Tin về việc nhiều chị em lạm dụng TPCN để giảm cân.

“Có người nghe quảng cáo chỉ cần uống 1-2 gói không cần giảm ăn, tập luyện tự khắc xuống cân. Ăn kiêng không đúng cộng với việc dùng TPCN vô tội vạ dẫn đến cơ thể mệt mỏi… đây là điều hoàn toàn sai lầm. Khi đến với Viện sau thăm khám, chúng tôi đã phải tư vấn chế độ ăn uống tập luyện phù hợp, giải thích rõ cơ chế giảm cân cho người bệnh”, PGS.TS Ninh cho biết.

Trên thế giới có định nghĩa rất rõ ràng về TPCN, theo đó, TPCN là những loại thực phẩm đã được chế biến nhằm tăng cường những chức năng đặc biệt của cơ thể. Đồng thời, phải đảm bảo tất cả tiêu chuẩn về sản xuất thực phẩm, nhãn mác phải công bố rõ ràng.

Tại Việt Nam, theo PGS.TS Ninh cũng đã có quy định của Bộ Y tế, Cục ATTP rõ ràng về TPCN, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng, y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; cũng như quy định về nhãn mác quảng cáo…

“Thường trên bao bì sản phẩm sẽ có dòng “Thực phẩm chức năng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng khi quảng cáo thường nói rất nhanh. Việc thổi phồng công dụng sản phẩm như “thần dược” nhằm lôi kéo người tiêu dùng mua sản phẩm …”, PGS.TS Ninh chia sẻ.

Trước thực tế không ít người tự thực hiện chế độ giảm cân theo kiến thức tổng hợp, uống TPCN giảm cân và tin theo “bác sĩ” google, PGS.TS Ninh cho biết, nguyên lý của giảm cân là đầu nạp vào từ đồ ăn thức uống, năng lượng phải giảm xuống (phải âm so với tiêu hao) thì khi đó mới giảm cân, còn càng tăng so với tiêu hao thì cân nặng sẽ càng tăng.

Phương pháp để thực hiện nguyên lý này có hàng nghìn cách khác nhau, có người giảm cân thần tốc như: Nhịn ăn nhịn uống thì 2-3 ngày có thể sụt đi vài cân hay có người chỉ uống nước rau…đây là những phương pháp phản khoa học. 

"Giảm cân đúng cách là vừa kết hợp ăn uống khoa học với thể dục điều độ, nên nhớ khi đã giảm cân được thì cần áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, thực hiện suốt đời có như vậy thì quá trình giảm cân mới hiệu quả", PGS.TS Ninh nhấn mạnh. 

Từ những trường hợp giảm cân sai cách, sử dụng TPCN giảm cân vô tội vạ, PGS.TS Ninh khuyến cáo người dân cần trở thành người tiêu dùng thông thái, đọc nhãn mác, địa chỉ công ty, tra mã QR Code… xem sản phẩm đó có được cấp phép hay không. Cùng với đó, khi sử dụng bất cứ TPCN nào cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Thông tin trên báo chí, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cũng khuyến cáo, những người thừa cân, đặc biệt là chị em phụ nữ, không nên vì bất kỳ lý do gì mà làm liều, mua những thực phẩm chức năng, trà giảm cân bán trôi nổi trên mạng để sử dụng.

Khi quyết định sử dụng bất kỳ một loại sản phẩm hỗ trợ giảm cân nào, người dân cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin quan trọng của sản phẩm như thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, lưu ý trong sử dụng, nhà sản xuất - phân phối, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, số công bố sản phẩm và khuyên dùng của các chuyên gia, bác sĩ uy tín để tránh tác hại cho sức khỏe.

Trước đó, cuối năm 2021 vì muốn giảm cân cấp tốc, một người phụ nữ ở Quảng Ninh đã mua 2 lọ thuốc giảm cân Baschi hồng, được quảng cáo 100% từ thảo dược thiên nhiên để uống. Sau 1 tháng uống liên tục mỗi ngày 2 viên, chị A. đã giảm được 3 kg. Tuy nhiên, chưa kịp mừng, chị A. đã phải nhập viện vì nôn ra máu. Sau khi được cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương, chị được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng.

Hay hồi tháng 3/2022, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận cấp cứu một trưởng hợp khó thở, hôn mê, co giật, tổn thương não… sau khi uống một loại  "Cà phê giảm cân". Rất may mắn, sau gần 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định hơn. Được biết, kết quả giám định cho thấy trong loại cà phê giảm cân trôi nổi mà bệnh nhân sử dụng có chứa chất độc Sibutramine, là hoạt chất đã bị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cấm sử dụng theo công văn số 5149 do có tác dụng không mong muốn.

Hoàng Bích - Đắc Hải