Tiêu dùng & Dư luận

Lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, doanh nghiệp nói không nắm được luật?

Tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, hình ảnh và vị thế của Hội Chữ thập đỏ.

Nhiều năm nay, tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ (CTĐ) đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, hình ảnh và vị thế của Hội Chữ thập đỏ cũng như ý nghĩa của hoạt động xã hội nhân đạo.

Theo tìm hiểu của PV, tình trạng vi phạm bản quyền biểu tượng CTĐ diễn ra khá phổ biến. Điển hình, biểu tượng này được sử dụng tràn lan tại các phòng cấp cứu, trên bảng hiệu phòng khám, hiệu thuốc, xe cứu thương, cửa hàng bán bảo hộ lao động, thậm chí cả cửa hàng bán đồ ăn chay…

Biểu tượng Chữ thập đỏ đang được sử dụng tràn lan tại các phòng khám, trạm y tế, xe cứu thương, nhà thuốc…

Ghi nhận của PV cho thấy, trên trục đường vành đai 3 (đoạn giao cắt ngã tư Nghiêm Xuân Yên và Kim Giang, Hà Nội) hay đường Lê Trọng Tấn; ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, thường xuyên có những nhóm khuyết tật dựng sân khấu vỉa hè biểu diễn văn nghệ quyên góp có sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ nhưng không phải tổ chức của hội. 

Ngày 21/10, tại ngã tư Trường Chinh- Tôn Thất Tùng, một nhóm người dựng sân khấu vỉa hè biểu diễn văn nghệ quyên góp có sử dụng biểu trưng chữ thập đỏ (trên thùng quyên góp có ghi Trung tâm Dạy nghề từ thiện-PV). Tuy nhiên, khi PV hỏi một thành viên trong nhóm có phải là hoạt động phối hợp với Hội Chữ thập đỏ hay không và vì sao dùng biểu tượng chữ thập đỏ thì người này lảnh tránh và nói “em không biết, em không nắm được quy định”. 

Cũng theo tìm hiểu của PV, một số doanh nghiệp cũng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ. Lần theo những quảng cáo trên mạng, công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Phú Thành (KCN Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) quảng cáo là đơn vị phân phối ô tô nhập khẩu (trong đó có xe cứu thương-PV) tại Hà Nội. Theo quảng cáo trên website của công ty, trong suốt thời gian gần 10 năm qua được sự ủng hộ và tin tưởng của nhiều ban bộ ngành, các doanh nghiệp và các khách hàng trên toàn quốc Công ty đã giao 52 xe cứu thương cho bộ Y tế, xe cứu thương cho các bệnh viện/phòng khám trên toàn quốc và nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ khác...

Phát động chiến dịch bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ.

Trong vai một người mua, PV gọi đến số hotline 09885587xx của công ty và được 1 nam giới tiếp thị: “Em làm đại lý chính hãng của Toyota”. Người này cho hay, đơn vị cung cấp 2 loại xe cứu thương, xe 1 cầu và 2 cầu. Tuy nhiên, theo người này công ty chỉ đang có sẵn Toyota Hiace “cá mập” với giá 1,3 tỷ đồng. Khi PV đề xuất qua xem xe thì người này báo đang bận và cần có lịch hẹn trước. 

Liên hệ với đại diện công ty XNK An Phú Thành về việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, PV nhận được câu trả lời: “Theo thông tư của bộ Y tế, tất cả xe cứu thương phải gắn dấu Chữ thập đỏ ở trước kính, đằng sau và 2 bên hông xe. Bộ Y tế cấp phép cho bên mình sử dụng để nhập khẩu xe cứu thương, bên mình chưa nắm được thông tin dấu chữ thập này là biểu tượng của hội Chữ Thập đỏ. Xe cứu thương bên em cung cấp ra thị trường từ năm 2009- 2010 rồi. Khi được cấp phép cung cấp xe cứu thương thì đơn vị bắt buộc phải tuân thủ các quy định, trong đó có dấu Chữ thập đỏ”.

Theo giải thích của đại diện công ty XNK An Phú Thành thì bản thân đơn vị cũng không nắm được biểu tượng Chữ thập đỏ là của Hội Chữ thập đỏ và không biết mình sử dụng sai quy định. 

Trao đổi với PV Đại diện ban Đối ngoại và truyền thông của Toyota Việt Nam khẳng định: “An Phú Thành không phải là đại lý của Toyota. Vì vậy việc công ty này bán xe Toyota Hiace khi bàn giao cho khách lại dán thêm biểu tượng Chữ thập đỏ ở đầu, đuôi và hai bên hông xe hoàn toàn là sự tự phát của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp này tự chịu trách nhiệm đối với những việc làm của mình và không liên quan đến Toyota Việt Nam”.

Từ thực tế trên, một chuyên gia pháp lý nhận định, mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ nhưng hiện nay, việc sử dụng sai biểu tượng Chữ thập đỏ diễn ra khá phổ biến, nhất là trong hoạt động thương mại thì sự lạm dụng này xuất hiện nhiều hơn. Theo đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu tính pháp lý để hoạt động tuân thủ theo quy định, không ảnh hưởng đến uy tín của chính doanh nghiệp mình và xâm phạm biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ. 

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cục Sở hữu Trí tuệ và Hội Chữ thập đỏ hơn nữa, đặc biệt là trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về việc sử dụng đúng biểu tượng Chữ thập đỏ.

Thu Hà