Môi trường

Lâm Đồng: Nhà kính bủa vây "phủ trắng" Tp.Đà Lạt

Nhà kính dùng để sản xuất nông nghiệp mọc lên nhan nhản ở Tp.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, mỹ quan của Thành phố này.

Tp.Đà Lạt đang nóng lên với đỉnh nhiệt độ có lúc vượt ngưỡng 30 độ C gây nên tình trạng oi bức khó chịu. Một trong những nguyên nhân là do sự phát triển “nóng” của các nhà kính.

Là một thành phố được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, nhưng mật độ nhà kính được phát triển một cách chóng mặt, nhà kính được người dân dựng lên ngay trong khu vực nội thành Tp.Đà Lạt.

Những nơi có mật độ nhà kính cao nhất là phường 12 với tỷ lệ diện tích nhà kính/diện tích canh tác chiếm 83,7%. Ở các phường 5,7 và 8 chiếm trên 60%.

Mật độ nhà kính dày đặc che hết diện tích bề mặt của đất khiến nước mưa không thể thấm xuống mà tập trung thành những dòng chảy lớn dẫn đến xói mòn đất sản xuất nông nghiệp; gây ra lũ ống, ngập lụt cục bộ vào những ngày mưa lớn làm bồi lắng ao, hồ, sông, suối…

Theo các chuyên gia nông nghiệp, một số loại rau, hoa có thể trồng ngoài trời nhưng nhà nông vẫn “nhốt” vào nhà kính làm cho tính đa dạng sinh học bị hạn chế; mặt khác, có nguy cơ tích lũy mầm mống sâu bệnh nếu công tác vệ sinh đồng ruộng không tốt. 

Nhiều nhà quy hoạch đô thị cho rằng, không nên vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường. Việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát, sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị. Từng là thành phố xanh nhưng Tp.Đà Lạt đang mất dần các giá trị vốn có của mình.

Hiện nay 100% hoa xuất khẩu của Tp.Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung (khoảng 300 triệu cành mỗi năm) đều được trồng nhà kính. Hầu hết rau xuất khẩu, rau cung cấp cho các khách sạn 4, 5 sao ở khu vực Tp.HCM trồng trong nhà kính cho chất lượng cao. Nhưng đáng tiếc, việc đầu tư phát triển nhà kính không được kiểm soát đã đưa đến hệ quả rất tai hại. 

Đó là hàng trăm ngàn trang trại, nhà kính mọc lên vây xung quanh ngoại ô Tp.Đà Lạt, chạy dọc 2 bên suối Cam Ly. Từ phía hạ lưu ngược lên thượng nguồn, hàng ngàn ha đất được người dân phủ bạt kính để sản xuất nông nghiệp. Cuối thập niên 1990, Tp.Đà Lạt chỉ có một số nhà kính, hiện nay diện tích các nhà kính tăng lên khoảng 15.000ha trong tổng số 18.000ha trồng rau quả. 

Nhà kính tập trung ở tất cả phường xã, thậm chí một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường: 5, 7, 8, 9, 11, 12. Nhìn từ trên cao, không gian Tp.Đà Lạt bị nhà kính lấn át. Vành đai xanh bao quanh Thành phố này bị biến mất, thay vào đó là bạt ngàn nhà kính, rừng thông chỉ lác đác một số cụm ở ngoại ô. 

Nhà kính làm nhiệt độ khu vực nóng lên 1-1,5 độ C do bề mặt của tấm lợp không hấp nhiệt mà hắt ngược lên khí quyển, khiến không gian nóng hơn cả nhà làm bằng bê tông, làm Tp.Đà Lạt ngày càng nóng hơn, thời gian lạnh trong năm ngắn hơn. Các vùng đất có nhà kính có hệ số thấm nước bằng không, tức mưa đổ xuống rơi trên những tấm ni lông không thấm vào đất.

Do vậy, dù mưa to nhưng bên trong nhà kính đất khô, đồng nghĩa với việc nước không thấm xuống lòng đất bổ sung nước cho các túi nước, túi bùn dưới lòng Thành phố này, khiến túi nước, túi bùn bị xẹp, dẫn đến hệ lụy bị sụt lún. Việc làm mất túi chứa nước tự nhiên còn khiến một số nơi tại khu trung tâm như: đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân, Mạc Đĩnh Chi, Trương Văn Hoàn, Cách mạng Tháng Tám… bị ngập nặng khi mưa và kéo dài vài ngày chưa rút hết nước. 

Điều cần nói thêm, khi diện tích nhà lưới, nhà kính giăng mắc khắp nơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Trước đây, mọi người thích ra rìa Tp.Đà lạt ngắm nhìn thung lũng, rừng thông và những mảng xanh tự nhiên từ trên cao, nay chỉ nhìn thấy bạt ngàn màu trắng xóa của các mái nhà kính. Khách du dịch trong và ngoài nước đến Tp.Đà Lạt để tận hưởng không khí lạnh trên cao nguyên, cảnh quan thơ mộng và sự tĩnh lặng, không phải đến để xem nhà kính.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo sau năm 2030, các phường ở Tp.Đà Lạt sẽ triệt tiêu để không còn nhà kính. Chủ trương này ngay lập tức trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn khoa học, hội thảo và dư luận xã hội. Việc xóa bỏ hay duy trì nhà kính là vấn đề lớn, khó, cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng để có được giải pháp hợp tình, hợp lý. Có nhiều ý kiến cho rằng phải xóa bỏ càng nhanh càng tốt nhà kính, trả lại mảng xanh cho Tp.Đà Lạt, nhưng xem ra rất khó khả thi.

Cho đến nay Đà lạt mới tháo dỡ gần 71,6ha diện tích công trình, nhà kính, nhà lưới do làm trên đất quy hoạch lâm nghiệp, do không phải đất nông nghiệp nên cưỡng chế tháo bỏ được. Còn trên đất quy hoạch nông nghiệp là không thể vì họ canh tác hợp pháp trên đất của họ, không vi phạm đất công và nhà kính là tài sản riêng. 

Trước đó, ngày 19/11 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cho biết đã gửi văn bản kèm dự thảo đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đến các Sở, ngành, UBND các địa phương, doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp có sử dụng nhà kính trên địa bàn để lấy ý kiến về đề án này.

Theo dự thảo đề án, việc phát triển nhà kính chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ được làm nhà kính trên tổng diện tích đất, nhất là khu vực nội đô Tp.Đà Lạt và các khu vực hành lang bảo vệ hồ đập, sông, suối, kênh mương thủy lợi ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị. 

Các khu vực sản xuất nông nghiệp trong nhà kính chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi, ao hồ thu nước đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa; làm thời gian tập trung lũ nhanh, gây xói mòn đất, ngập úng cục bộ. Đặc biệt tại những nơi vùng trũng, vùng lòng chảo đã xảy ra trong thời gian qua tại Tp.Đà Lạt và vùng phụ cận. Nhà kính còn ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng phát triển du lịch.

Do đó, cần phải có quy định tỷ lệ phù hợp với điều kiện sinh thái, cảnh quan từng vùng, từng khu vực, kết hợp các giải pháp tạo các vành đai xanh, các bờ lô thửa và các diện tích đất trống để đảm bảo hài hoà cảnh quan môi trường. Cần phải quy định mật độ nhà kính phù hợp đối với nội ô Tp.Đà Lạt và các vùng phụ cận để phát triển hài hòa lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Cần phải có quy định pháp lý để quản lý đối với xây dựng nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Mục tiêu chung của đề án là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn Tp.Đà Lạt (sau năm 2030) và các huyện lân cận. Đồng thời, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Lâm Đồng vào ngày 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng nói chung và Tp.Đà Lạt nói riêng phải tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa. Mọi chuyển động kinh tế phải đảm bảo theo hướng xanh, hài hòa và ổn định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Lâm Đồng phải rất chú ý đến nhà kính, giữ lấy môi trường mà phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp mà phát thải nhiều khí độc hại là cần hết sức lưu ý".

Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng liên quan đến nhà kính, nhà lưới tại Tp.Đà Lạt. 

Theo ông Trần Quý Kiên: "Lâm Đồng phải xem lại chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với nhà lưới, nhà kính. Hiện riêng Đà Lạt đã có khoảng 2.800ha nhà lưới, nhà kính rồi. Hết sức nguy hại cho môi trường, cảnh quan nếu diện tích này tiếp tục tăng lên. Phát triển cách này là đi ngược với xu hướng thế giới. Đi từ máy bay đã nhìn thấy nhà kính phủ trắng rồi. Nhà kính đã và đang tác động xấu lên Đà Lạt, hình thành một vùng tiểu khí hậu tiêu cực. Lũ, ngập lụt cục bộ là hậu quả trước mắt đã xảy ra". 

Ông Kiên nói thêm: "Ở các nước châu Âu và Úc, họ đã bắt đầu tháo dỡ hàng loạt nhà kính nông nghiệp để bảo vệ môi trường, cảnh quan. Chúng ta phải nhìn nhận nhà lưới, nhà kính là một mối nguy hại tác động trực tiếp đến ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt là du lịch. Nếu không điều hướng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sạch, bền vững thì Đà Lạt được ít mất nhiều". 

Về công tác quản lý nhà lưới, nhà kính trên địa bàn, ông Kiên trao đổi thêm: "Nhà kính được sử dụng đến nay đã nhiều năm, xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau nên công nghệ cũng khác nhau và mức độ tác động khác nhau. Trước mắt, ít nhất cũng nên có quy chuẩn để sử dụng nhà lưới, nhà kính nông nghiệp ít gây tác hại nhất".

Trong phần trao đổi của mình, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: "Tôi đồng tình với anh Kiên về vấn đề nhà lưới, nhà kính. Đề nghị Đà Lạt - Lâm Đồng phải đánh giá lại chuyện nhà lưới, nhà kính. Trước tiên phải kìm hãm sự phát triển, mở rộng diện tích nhà kính. Tiếp sau đó là quy hoạch lại vùng nông nghiệp theo hướng giảm dần nhà lưới, nhà kính. Tôi biết tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch lộ trình giảm dần diện tích nhà kính đến năm 2030. Tôi cho rằng cần quyết liệt và nhanh hơn. Biện pháp quản lý nhà lưới, nhà kính phải hữu hiệu, không nên chỉ dừng lại ở kế hoạch".

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Lâm Đồng phải rất chú ý đến nhà kính, giữ lấy môi trường mà phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp mà phát thải nhiều khí độc hại là cần hết sức lưu ý. Nông nghiệp công nghệ cao cũng phải có định hướng để phát triển hài hòa. Trong phát triển vùng Tây Nguyên, môi trường cảnh quan rất quan trọng". 

Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục nhấn mạnh "phát triển hài hòa" khi định ra mục tiêu cho vùng Tây Nguyên và đặc biệt là đô thị nổi tiếng Tp.Đà Lạt.