Cộng đồng mạng

Làm đẹp kinh dị: Thực hư về bí truyền làm đẹp từ đỉa

Liệu con đỉa có phải là "người đồng hành" trên con đường làm đẹp của nhiều mĩ nhân hay không?

Chắc chắn đa số chúng ta sẽ hét lên kinh hãi khi nhìn thấy con đỉa bám dính trên mặt, tuy nhiên, phương pháp này được cho là giúp thanh lọc máu, đẩy nhanh sự tuần hoàn, lưu thông máu, cho da dẻ đẹp hơn và thêm hồng hào.

Phương pháp này được cho là xuất hiện ở Ai Cập khoảng 2.500 năm trước. Các hình vẽ trên Kim tự tháp Ai Cập cho thấy phương thuốc tự nhiên này đã được biết đến từ thế kỷ 15 trước Công nguyên.

Gu thẩm mỹ đặc biệt của người Ai Cập, từ kiến trúc tới nghệ thuật, trang điểm đã có được sự sáng tạo hiện đại vì tính thanh lịch, tính độc đáo và phong cách của họ!

Bức tranh từ lăng mộ Nakht mô tả quý bà trong một bữa tiệc.

Nhưng phải đến đầu thế kỷ 19, nước Pháp sử dụng 20-30 triệu con đỉa trong một năm, nước Anh dùng 7-9 triệu con, bởi các nhà thuốc tin rằng đỉa hút hết máu xấu trong cơ thể, để lại máu tốt, nên nhiều khi người bệnh được cho dùng nhiều đỉa hút một lượng máu khá lớn để trị bệnh nhức đầu, béo phì, tăng huyết áp,...

Các bác sĩ thời Trung cổ đã sử dụng chúng làm "phụ tá hút máu" trong quá trình phẫu thuật.

Trước đây rất lâu, Simonetta Vespucci là nàng thơ của những danh họa vĩ đại nhất thời kỳ Phục Hưng. Để có làn da trắng bệch yếu ớt nhưng hợp mode thời ấy, bà đã cho đỉa vào tai để chúng hút máu khỏi mặt, khiến cho gương mặt trở nên nhợt nhạt đi.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, tại nước Anh, bác sĩ Roy Sawyer đã thành lập một nông trang nuôi đỉa ở Hendy, gần Swansea, với lượng cung cấp 80.000 con đỉa/năm cho toàn nước Anh, đặc biệt có tới 30.000 con được dùng vào phẫu thuật - thẩm mỹ.

Cho đến hiện tại, hình thức làm đẹp có phần kinh dị này được khá nhiều người nổi tiếng tại Hollywood ưa thích. Tiêu biểu trong số này có kiều nữ không tuổi Demi Moore, Miranda Kerr,…Dĩ nhiên phải là đỉa y tế!

Ngay khi đỉa được gắn vào da, chúng sử dụng ba hàm răng gồm hơn 300 chiếc để hút máu liền một mạch suốt 1,5 giờ, sau đó mới nhả ra. Trong suốt thời gian ăn, đỉa phồng lên và kích thước cơ thể lớn gấp năm - mười lần so với ban đầu, nghĩa là đỉa hút khoảng 5-20ml máu.

Vậy thực hư câu chuyện dùng đỉa để thẩm mĩ da có tốt như những lời đồn đoán hay không?

Tuy nhiên, việc dùng đỉa trong y học vẫn có nguy cơ gây nhiễm khuẩn, chảy máu và bệnh nhân cần được tư vấn đầy đủ trước khi bắt đầu điều trị. 

Việc dùng đỉa làm dược liệu chữa bệnh phải hết sức cẩn thận và đúng quy trình vì nếu sai quy trình, vết thương do đỉa cắn sẽ nhiễm trùng và tạo ap-xe có hại cho con người.

Trong quá trình sử dụng đỉa trực tiếp chữa bệnh, dịch tiết ra từ mồm đỉa có khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm như: Viêm gan B, HIV, các bệnh lây lan qua đường máu.

Nếu dùng đỉa quá nhiều sẽ làm mất máu, vỡ động mạch gây tai biến cho bệnh nhân.

Theo tạp chí Passion, đỉa có thể tái sử dụng cho cùng một bệnh nhân sau vài ngày, tuy nhiên những lần sử dụng sau sẽ kém hiệu quả hơn lần đầu, nếu muốn làm đẹp trên da mặt bằng đỉa, trước hết phải để vùng da được sát khuẩn sạch sẽ.

Không nên gỡ đỉa bằng cách kéo vì sẽ làm nó đứt đoạn, các độc chất trong cơ thể đỉa sẽ gây hại đến vết thương. Nếu muốn gỡ đỉa ra sớm trước khi chúng no, nên dùng cồn, muối, acid acetic, nước vôi dưới sự theo dõi chặt chẽ của các chuyên gia thẩm mỹ.

Mỗi ngày chỉ nên trị liệu 2 - 4 lần, trong tối đa một tuần, số lượng đỉa sử dụng thường dưới 6 con, mỗi lần không quá 20 phút. Trước khi dùng, đỉa phải được khử trùng bằng cách ngâm trong dung dịch NaCl 5% trong 1 phút để nhả hết máu cũ.

Dù là phương pháp làm đẹp nào, cẩn thận và hiểu biết vẫn tốt hơn!

Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc tuyến bài Làm đẹp kinh dị với nhiều nội dung vô cùng hấp dẫn sẽ được xuất bản vào lúc 19h00 tối hàng ngày trên báo điện tử Người Đưa Tin.

Minh Anh (Nguồn Beautifulwithbrain)