Đối thoại

Làm cao tốc, nguồn lực có hạn nên có nơi chỉ được làm 2 làn xe

Theo Bộ trưởng GTVT, trong bối cảnh ngân sách có hạn, nếu địa phương bố trí được nguồn vốn để cùng với trung ương thực hiện các tuyến quốc lộ là rất cần thiết.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho biết, hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không khuyến khích đầu tư các tuyến cao tốc có 2 làn xe gây lãng phí, khai thác không hiệu quả, mất thời gian.

Hiện Thừa Thiên - Huế có 2 tuyến cao tốc: La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn phát huy hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên do quy mô nhỏ và lưu lượng, tốc độ không cao nên vẫn sử dụng Quốc lộ 1A. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, vậy với những dự án quy mô nhỏ, xin Bộ trưởng cho biết đã có kế hoạch rà soát để nâng cấp và mở rộng không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh hay 6-8 làn xe là nhu cầu đúng đắn, cần thiết. Thủ tướng luôn chỉ đạo cố gắng đầu tư tuyến nào hoàn thành tuyến đó.

Song thực tế vừa qua, nhiều tuyến do nguồn lực có hạn nên chỉ đủ ngân sách làm 2 làn xe, một phần do ban đầu, lưu lượng xe qua các tuyến này cũng không lớn.

Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về việc hạn chế làm các tuyến cao tốc 2 làn xe, ông Thắng cho biết qua tổng hợp, có 5 tuyến cao tốc hiện nay có 2 làn xe, trong đó có 2 tuyến ở Thừa Thiên - Huế.

"Thủ tướng đã chỉ đạo thời gian tới ưu tiên nguồn ngân sách tập trung nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn, đây là chỉ đạo rất đúng đắn. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp tham mưu và đề xuất để có nguồn vốn để hoàn thiện tất cả các tuyến đường cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh", Bộ trưởng nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay, một số tuyến đường quốc lộ không đáp ứng nhu cầu đi lại, nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Một số tỉnh đề xuất chủ trương với Bộ GTVT và với Chính phủ là có cơ chế cho phép các tỉnh dùng ngân sách của địa phương để đầu tư mở rộng các tuyến đường này, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, sau đó sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, các tuyến đường cao tốc ở quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT. Những tuyến đường tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm của địa phương.

"Vừa qua, trong bối cảnh, nguồn ngân sách có hạn, nhiều tuyến đường xuống cấp, ngân sách trung ương một năm Bộ GTVT được giao chỉ đáp ứng được 66%. Ví dụ nhiệm kỳ này, nhu cầu của chúng ta cần 446.000 tỷ đồng để đầu tư làm đường cao tốc, quốc lộ nhưng ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỷ đồng, không đáp ứng được để đầu tư hết các tuyến đường quốc lộ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh nguồn ngân sách trung ương có hạn, nếu địa phương bố trí được nguồn vốn, cùng với trung ương thực hiện các tuyến quốc lộ là rất cần thiết, quan trọng.

Không chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương vừa rồi cũng đã đề nghị như vậy. Bộ GTVT phối hợp cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ cũng đã họp để trình Thường vụ Quốc hội thực hiện cơ chế thí điểm trong lúc Luật chưa sửa được và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép địa phương có thể có nguồn vốn tham gia với trung ương để triển khai xây dựng đường quốc lộ và cao tốc.