Tiêu điểm thế giới

Là quốc gia giàu có nhất thế giới nhưng tuổi thọ người Mỹ lại suy giảm đáng báo động

Tuổi thọ của người Mỹ đã bắt đầu suy giảm từ năm 2014. Tình trạng này tập trung ở những người trong độ tuổi lao động, hoặc những người ở độ tuổi 25 đến 64.

Tuổi thọ người Mỹ trong độ tuổi lao động có dấu hiệu suy giảm.

Sau khi tăng đều trong nhiều thập kỷ, tuổi thọ của người Mỹ đang suy giảm trong những năm gần đây. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra các lý do đằng sau xu hướng đáng báo động này.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA hồi tháng 11/2019 cho thấy sự suy giảm tuổi thọ chủ yếu tập trung ở những người Mỹ trong độ tuổi lao động, hoặc những người ở độ tuổi 25 đến 64.

Trong nhóm này, nguy cơ tử vong đến từ lạm dụng ma túy, tự tử, cao huyết áp và hơn 30 nguyên nhân khác nhau. Phát hiện cho thấy tuổi thọ ở Mỹ đang nhanh chóng tụt hậu so với các quốc gia giàu có trên thế giới.

“Sự suy giảm tuổi thọ đặc biệt ở những người trong độ tuổi lao động chưa được nhìn thấy ở quốc gia nào và đây được coi là một hiện tượng rõ rệt của nước Mỹ", đồng tác giả nghiên cứu Steven H. Woolf thuộc Đại học Y Virginia Commonwealth cho biết.

"Tỷ lệ tử vong ở những người trong độ tuổi lao động đang gia tăng", Woolf nói với tờ Live Science. "Chúng tôi biết từ lâu rằng sức khỏe của người Mỹ kém hơn so với các quốc gia thịnh vượng khác, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự suy giảm sức khỏe của Mỹ bắt đầu từ đầu những năm 1980".

Kết quả cho thấy, mặc dù tuổi thọ của người Mỹ tăng trong giai đoạn từ năm 1959 đến 2014, nhưng chứng kiến sự giảm xuống từ năm 2011 và bắt đầu giảm mạnh vào năm 2014.

Nguyên nhân chính đằng sau sự suy giảm này thường liên quan đến ma túy, lạm dụng rượu, tự tử và một loạt các bệnh tật ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, đặc biệt là những người không học hết trung học.

Cụ thể, sự sụt giảm đã được ghi nhận ở một số vùng của New England, bao gồm Maine, New Hampshire và Vermont; cũng như ở "Thung lũng Ohio", bao gồm Indiana, Kentucky, Ohio và Pennsylvania.

Ngược lại, tuổi thọ tăng đối với những người sống dọc bờ biển Thái Bình Dương trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2017.

Nhà nghiên cứu Woolf suy đoán, sự sụt giảm tuổi thọ của Mỹ có nguyên nhân sâu xa đến từ sự thiếu sự hỗ trợ đối với các gia đình đang gặp khó khăn

"Ở các quốc gia khác, các gia đình gặp khó khăn có sẵn các chương trình và dịch vụ hỗ trợ. Ở Mỹ, mọi người thường phải tự lo liệu", Woolf nói.

Sự thiếu vắng của các dịch vụ xã hội cũng có thể giải thích lý do tại sao nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong tương đối lớn ở phụ nữ. "Họ là những người có ít hệ thống hỗ trợ hơn và phải đảm đương trách nhiệm chăm sóc trẻ em nhiều hơn", ông nói thêm.

Chuyên gia Howard Koh thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan đã mô tả những phát hiện này là "phân tích đầy đủ và chi tiết nhất về chủ đề tuổi thọ người Mỹ ở thời điểm hiện tại”.

Ông cũng đồng tình cho rằng, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các kết nối xã hội và mạng lưới cộng đồng có ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào.

"Các quốc gia khác chi tiêu tương đối nhiều cho các dịch vụ xã hội", Koh nói. "Sức khỏe đến từ những nơi khác chứ không phải phòng khám của bác sĩ. Nó xuất phát từ nơi cư trú, nơi học tập, lao động và tinh thần của mỗi người”.