Giáo dục

Lạ lùng chuyện mời giáo viên về hưu dạy học ở Hà Tĩnh

Vướng mắc bằng cấp, không tuyển được nhân sự, nhiều trường mầm non, tiểu học phải mời giáo viên về hưu đứng lớp.

Thực trạng này có thể điểm qua tại một số trường tiểu học như: thị trấn Cẩm Xuyên, Cẩm Dương, Cẩm Nam,...

Báo Vnexpress cho biết, gần hết một học kỳ I năm học 2018-2019, trường Tiểu học Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) vẫn chưa đủ giáo viên. Trường có 18 lớp với 516 học sinh, song chỉ có 17 giáo viên (GV) văn hóa.

Học sinh trường Tiểu học Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). (Ảnh: Trường Cẩm Duệ)

Xác nhận của Dân trí, Hiệu trưởng trường Cẩm Duệ cho hay, lâm vào tình cảnh ngặt nghèo, đến cuối tháng 11, nhà trường không còn cách nào khác là xin ý kiến phòng GD&ĐT và được sự đồng tình của phụ huynh tiến hành sáp nhập từ 3 lớp 3 thành 2 lớp 3 nhằm đảm bảo số lượng GV văn hóa tối thiểu là 1 người/1 lớp.

"Do có thông tin sẽ được bổ sung GV vào năm học mới, sau khai giảng, dù thiếu trường vẫn chờ. Cuối tháng 11, chúng tôi phải xin ý kiến cấp trên sáp nhập từ 3 lớp 3 thành 2 lớp 3 để đảm bảo số lượng GV văn hóa", Hiệu trưởng nói.

Ban giám hiệu nhà trường cho biết, khi sáp nhập lại, số lượng học sinh 2 lớp là 38 - 39 em, dù chật chội, quá tải, song nhà trường không còn cách nào khác.

Thậm chí, Ban giám hiệu phải hợp đồng với một cô giáo đã nghỉ hưu từ một năm trước để đảm bảo số lượng GV văn hóa tối thiểu là 1 người/1 lớp.

Thực trạng không tuyển dụng được nhân sự cũng xảy ra ở trường Tiểu học Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên). Trường có 13 lớp song chỉ có 12 GV dạy văn hóa. Để "chữa cháy", hai cô Hiệu trưởng và Hiệu phó đã thay nhau giảng dạy.

"Việc hợp đồng lại với GV nghỉ hưu rồi là không hề dễ dàng. Tâm lý họ nghỉ rồi là không muốn quay lại vì nhiều lý do nhất là tuổi cao, sức khỏe, vướng bận gia đình. Vì vậy, Ban giám hiệu phải làm công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục mãi họ mới đồng ý trở lại hỗ trợ trường", Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Cẩm Xuyên cho chia sẻ.

Theo ông Đặng Quốc Hà, Phó phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên cho biết, địa bàn hiện có 27 trường mầm non và tiểu học thiếu GV. Trong đó, hệ tiểu học so với định biên tỉnh giao thiếu 76 người, mầm non 50 người.

"Khi tuyển dụng, ngoài bằng đào tạo chính quy thì ứng viên được yêu cầu phải có bằng Tin học và tiếng Anh, song đa phần chưa đáp ứng nên không được ứng tuyển. Phòng đang chờ chủ trương của tỉnh để đưa ra giải pháp tuyển dụng mới", ông Hà nói.

Nhiều trường học tại Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) thiếu giáo viên trầm trọng. 

Trả lời Báo Nghệ An, thầy Nguyễn Quốc Khoan - Chuyên viên tổ chức cán bộ (phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên) cho hay, đầu năm học, bậc tiểu học có 451 lớp, do không cân đối được GV đứng lớp nên đã phải nhập lớp, giảm lớp xuống còn 427 lớp.

Dù việc nhập lớp, giảm lớp sẽ dẫn đến việc quá tải, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nhưng do thiếu GV nên không còn cách nào khác.

Một nguồn tin của Dân trí cho biết nguyên nhân của những câu chuyện đáng buồn trên là vì các huyện thị chưa triển khai quyết liệt, các tỉnh thiếu đôn đốc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trong công tác tuyển dụng.

Cụ thể, tại văn bản ngày 25/7/2018 gửi các Sở: Nội vụ, Giáo dục tỉnh, UBND các huyện thị, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Hà Tĩnh đặc cách cho các huyện thị tuyển dụng hơn 400 GV (gồm 226 GV mầm non, 184 GV văn hóa bậc tiểu học) năm 2018.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh mới đây, ông Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã thẳng thắn nêu: Các cơ quan tuyển dụng quá máy móc, làm ảnh hưởng đến việc dạy học của các nhà trường. Ông Anh đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh phải chỉ đạo quyết liệt, sớm chấm dứt thực trạng nêu trên.

Minh Anh (tổng hợp)