Giáo dục

Lạ kỳ các trung tâm GDTX ở Hà Nội từ chối dạy văn hóa

Mặc dù tuyển thiếu chỉ tiêu, không có kinh phí hoạt động nhưng các trung tâm này lại chọn từ chối dạy văn hoá cho Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội.

Vừa qua, Người Đưa Tin nhận được phản ánh về việc Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội (có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) gửi công văn gửi tới các Trung tâm GDTX-GDNN (Trung tâm) trên địa bàn Hà Nội đề nghị liên kết dạy văn hoá Chương trình GDTX cấp THPT. Nhưng, kèm theo đó chính trường này lại “yêu cầu” các cở sở GDTX từ chối tiếp nhận phối hợp giảng dạy văn hoá cho các học viên vào học nghề trình độ trung cấp.

Cụ thể, trong công văn gửi đi các Trung tâm, trường này nêu: Năm học 2023-2024, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội dự kiến mỗi năm tuyển 1.400 học sinh (đối tượng tốt nghiệp THCS lớp 9) và đề nghị phối hợp giảng dạy.

Việc chỉ nêu con số dự kiến, không có kế hoạch cụ thể và có những yêu "trên trời", khiến cho các cơ sở GDTX băn khoăn về mục đích của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội là gì?

Theo Luật giáo dục 2019, trường nghề có thể tự đào tạo chương trình văn hóa THPT 7 môn (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) ngay tại trường, nhưng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT phải do người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp. Điều này đồng nghĩa với việc, các Trung tâm GDTX phải là đơn vị chủ trì về chuyên môn trong quá trình dạy văn hóa.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế có 3 trung tâm GDNN-GDTX đã có công văn phản hồi từ chối tiếp nhận yêu cầu dạy 25-30 lớp học văn hoá cho mỗi năm của Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội.

Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy là một trong những cơ sở từ chối tiếp nhận.

Trả lời phóng viên về lý do từ chối ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy cho biết: “Không hiểu sao, bên đó (Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội) sang nhờ tôi và bảo rằng em liên kết với đơn vị khác để liên kết văn hoá, anh cho em xin công văn là anh không đồng ý để em báo cáo hội đồng quản trị. Chứ không phải chúng tôi không đáp ứng được hay từ chối”.

Ông Tuấn cũng bày tỏ trước đó cũng chưa từng liên kết với Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội. Nếu trong trường hợp muốn hợp tác tham gia cũng sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện vật chất, thủ tục liên quan để hỗ trợ đào tạo.

Trên thực tế, vị đại diện này cho biết nhà trường cũng rất mong có các bên phối hợp đào tạo bởi hiện nay trung tâm này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, do tâm lý phụ huynh và học sinh không muốn theo học, thiếu kinh phí vận hành, cơ sở vật chất xuống cấp.

Chồng chéo chức năng giữa việc đào tạo học nghề và văn hoá.

Còn ông Đinh Kim Hùng – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Đống Đa thông tin: “Đối với trường Cao đẳng Công thương do đề nghị có sĩ số lớp lớn (khoảng 25-30 lớp), bên tôi số lượng giáo viên khoảng 12-13 người nên liên kết lớn quá, địa điểm 2 bên cách xa nhau nên không kham được”.

Hiện nay trung tâm không liên kết dạy băn hoá với trường cao đẳng hay trường trung cấp bởi do không có đơn vị nhờ hợp tác cũng như bản thân các cơ sở đó khó tuyển sinh.

Cũng là trung tâm được Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội liên hệ liên kết Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm và từ chối với lý do không đủ điều kiện cơ sở vật chất.

Ông Phạm Đức Nam - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố chia sẻ: “Có đồng chí là lãnh đạo trường Cao đẳng Công thương đến đây xem cơ sở vật chất. Tuy nhiên, do nhu cầu của học là khá lớn, chúng tôi chưa thể đáp ứng được nhu cầu của họ là dạy 500-700 học sinh vì vậy nên từ chối liên kết giảng dạy”.

Nếu không sớm có phương án giải quyết, sẽ có nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra, gây ảnh hưởng đến các học viên theo học, bởi chắc chắn nếu không học văn hoá tại các cơ sở GDTX các em sẽ không được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX bậc THPT để thi tốt nghiệp THPT.

Hồng Bích