Thế giới

Kỳ vọng của ông Zelensky trong chuyến thăm lịch sử tới Washington

Hôm 21/12, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đáp chuyến bay sang Mỹ gặp Tổng thống Joe Biden giữa lúc xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ rơi vào bế tắc.

Khi Nga chính thức thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2/2022, Mỹ đã đề nghị sơ tán Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khỏi Kiev.

“Tôi cần đạn dược, không cần quá giang”, là câu trả lời ông Zelensky đưa ra.

300 ngày sau cuộc xung đột diễn ra, vị Tổng thống đã đáp máy bay tới Washington, chấp nhận lời đề nghị của Mỹ và quan trọng hơn là đạt được mục tiêu xin viện trợ vũ khí của mình.

Chuyến đi rủi ro   

Ông Biden lần đầu đề nói về khả năng ông Zelensky đến thăm Washington trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine vào ngày 11/12, một quan chức Mỹ cho biết. Một lời mời chính thức đã được đưa ra một tuần trước đó, và ông Zelensky đã chấp nhận, đồng thời bắt đầu các cuộc tham vấn chung về các thông số an ninh của chuyến đi đầy rủi ro và bí mật này.

Sau khi xác định rằng những thông số đó đáp ứng nhu cầu của ông và Mỹ, ông đã xác nhận sẽ bắt đầu chuyến đi hôm 18/12.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ sau khi trao quốc kỳ Ukraine cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: SCMP

Ông Zelensky đã tới Ba Lan bằng tàu hỏa khi các điều kiện an ninh được thắt chặt do lo ngại những mối nguy từ Nga. Cũng vì lý do này, ngay cả các quan chức cấp cao hàng đầu của chính phủ cũng như nhân viên đại sứ quán tại Mỹ không được thông báo về lịch trình của chuyến thăm.

Các rủi ro quân sự cũng được tính toán để Tổng thống Ukraine có thể thực hiện chuyến công du ngắn ngày mà không gây nguy hiểm cho tình hình quân sự ở nước này.

Từ Ba Lan, ông Zelensky đã bay sang Washington trên một chiếc máy bay quân sự Mỹ, các quan chức Mỹ cho biết. Ông đến Mỹ ngay sau buổi trưa tại Căn cứ chung Andrews, bên ngoài thủ đô Washington DC, sau đó đến khu vực South Lawn của Nhà Trắng vào khoảng 2 giờ chiều 21/12.

Ông Biden đã mời ông Zelensky đến Washington trong tuần này vì cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang bước vào một “giai đoạn mới”. Khi mùa đông bắt đầu và Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự, thời điểm dường như đã chín muồi để ông Zelensky đưa ra lời kêu gọi công khai mạnh mẽ sự hỗ trợ của quốc tế.

Chuyến thăm của nhằm thể hiện cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine của Mỹ vào thời điểm khả năng duy trì sự ủng hộ đó trong và ngoài nước của ông Biden đang bị thử thách.

Đây cũng là cơ hội để ông Biden và các quan chức hàng đầu của Mỹ tỏ rõ quan điểm về quỹ đạo của cuộc xung đột và đưa ra những đề xuất để kết thúc cuộc xung đột.

Đạt được mục đích

Khi cân nhắc về chuyến thăm, ông Zelensky đã nói với các cố vấn rằng ông không muốn tới Washington nếu mối quan hệ song phương với Mỹ không có bước phát triển đáng kể nào. Vị lãnh đạo của Ukraine coi quyết định của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine là một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa hai đồng minh.

Tổng thống Mỹ Biden sẽ không mời ông Zelensky đến Washington nếu ông không tin rằng có thể đưa ra điều gì đó thực sự khi gặp mặt trực tiếp thay vì qua điện thoại.

Ngay trước khi ông Zelensky đến Mỹ, chính quyền ông Biden đã thông báo rằng họ sẽ gửi gần 2 tỷ USD hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine - bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot hiện đại mà ông Zelensky đã yêu cầu trong nhiều tháng.

Ông Zelensky và ông Joe Biden trò chuyện tại Nhà Trắng. Ảnh: pravda.com.ua

Chính quyền Mỹ sẽ đưa ra một gói viện trợ quân sự mới trị giá 2 tỷ USD, lần đầu tiên sẽ bao gồm một tổ hợp phòng không Patriot và bộ dụng cụ đạn dược tấn công trực tiếp giúp biến bom không điều khiển của máy bay chiến đấu thành đạn dẫn đường chính xác. Ngoài ra, còn có các loại pháo trị giá 850 triệu USD và các loại đạn dược khác từ các kho dự trữ hiện có của Mỹ.

Tổ hợp phòng không Patriot là một “món quà” gây ngạc nhiên cho cả các quan chức Ukraine. Hệ thống Patriot này là điều mà Kiev đã tìm kiếm từ lâu và phiên bản dành cho Ukraine được chế tạo để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Đó sẽ là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống phòng thủ của Kiev trước các cuộc tấn công liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố này.

Tuy nhiên, đứng bên cạnh Biden, ông Zelensky thẳng thắn khẳng định rằng chỉ một hệ thống Patriot thôi là không đủ, và ông muốn có nhiều hơn.

Vị Tổng thống Ukraine đã liên tục kích động sự hỗ trợ bổ sung của Mỹ dù đã nhận hàng chục tỷ USD hỗ trợ quân sự từ ông Biden.

Nga nói gì?

Điện Kremlin đã chỉ trích chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Washington DC hôm 21/12, đồng thời tuyên bố rằng chuyến đi có thể gây tác dụng ngược lại đối với Kiev.

Khi được hỏi tại một cuộc họp báo ở Moscow rằng liệu Nga có kỳ vọng lập trường của Kiev sẽ trở nên mang tính xây dựng hơn sau chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky, và sẽ thay đổi hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình với Nga hay không, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin nói “Tôi không nghĩ vậy”.

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin. Ảnh aa.com.tr

“Việc cung cấp vũ khí đang tiếp tục, phạm vi cung cấp vũ khí đang mở rộng. Tất nhiên, tất cả những điều này khiến cuộc xung đột thêm trầm trọng, và trên thực tế, không phải là điềm tốt cho Ukraine”, ông khẳng định.

Ngoài ra, cũng không có hy vọng rằng lập trường đàm phán của Kiev sẽ “bằng cách nào đó thay đổi sau chuyến thăm”, ông Peskov nói thêm.

Khi được hỏi tại sao Điện Kremlin không nêu rõ vị trí của các bộ tham mưu quân sự chung của Nga tham gia vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới khu vực này, ông Peskov trả lời đó là “thông tin mật”.

Nguyễn Tuyết (Theo CNN, Politico, Anadolu Agency, DW)