Văn hoá

Ký ức về thú chơi thủy tiên nơi phố hoa cổ nhất Hà thành

Phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được biết đến là phố hoa cổ nhất của đất Hà thành, nhưng thứ hoa làm nên thương hiệu của con phố đó chỉ có thuỷ tiên và hoa đào.

Ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, PV có dịp qua con phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Mỗi dịp cuối năm nơi đây đều tổ chức phiên chợ hoa truyền thống, phiên chợ đã tồn tại hơn 60 năm. Tuy nhiên với sự thay đổi nhanh của kinh tế thị trường, con phố cổ đã mất đi nhiều nét xưa.

Hàng hoá đa dạng, những sản phẩm truyền thống lẫn hiện đại đủ mọi chủng loại thay thế cho hai loài hoa làm nên thương hiệu con phố hoa cổ nhất Hà thành là hoa đào và thuỷ tiên. Những ký ức về phố hoa giờ chỉ còn đọng lại nơi những người đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm".

PV đã gặp được ông Nguyễn Thanh (số 10 Hàng Lược), sống trong căn nhà 2 tầng được xây được từ cuối thế kỷ 19. Trải qua 5 đời tại căn nhà cổ, ông Thanh là người rất hiểu về Hà Nội, phố Hàng Lược và hoa thuỷ tiên.

Ông nói: “Đất nước phát triển, kinh tế đi lên, để sắm Tết ngày nay rất dễ dàng. Nhưng những thế hệ như chúng tôi vẫn ao ước, hoài niệm về một Tết xưa Hà Nội.

Chợ Tết của Hàng Lược đã thay đổi rất nhiều. Tuy mệnh danh là phố hoa nhưng kỳ thực trước cải cách đất nước chỉ có 2 loại hoa làm nên thương hiệu đó là hoa thuỷ tiên và đào Nhật Tân.

Ông Thanh nhớ về ký ức Tết xưa (ảnh Thành Long).

Trong đó độc đáo và tinh tế hơn cả là thú chơi hoa thuỷ tiên. Chẳng biết thú chơi thủy tiên bắt đầu từ bao giờ, tôi chỉ nhớ rằng trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược trở lại thì thú chơi này đã có. Tôi nhớ đó là khoảng năm 1952".

Nhìn ra con phố huyên náo, hai mắt nheo lại, ông Thanh kể tiếp: "Việc mua một cành hoa khi đó không hề dễ dàng. Với nhà không có điều kiện, ngày Tết mong sao chỉ cần một nhánh hoa nhỏ, một bông hoa hồng để cắm vào lọ đã thấy sung sướng lắm rồi.

Còn ai mua được cành đào thì cả phố sang ngắm, người người bàn tán rất có không khí. Hoa đào khi đó cũng rất đơn giản, chi có hai thế là tán tròn và chiếu thuỷ (ngọn chiếu xuống đất) chứ không đa dạng như ngày nay".

Lại nói về Thuỷ tiên, ông Thanh hào hứng kể rằng, thuỷ tiên hay hoa đào thực sự đã tạo nên một nét đẹp của người Hà Nội, của phố Hàng Lược. Bởi người chơi hoa thuỷ tiên thực sự phải là những người tinh tế và thuỷ tiên cành làm nên nét tinh tế đó.

Hoa thủy tiên được cả sắc lẫn hương, với hai lớp cánh, lớp bên ngoài màu trắng ngà mỏng manh như lụa, lớp bên trong vàng rực rỡ mà người ta vẫn thường gọi là “mâm ngọc chán vàng”. Thuỷ tiên đựng trong lọ thuỷ tinh tạo nên sự tinh khôi trắng ngần. Một vẻ đẹp tinh khiết.

Do điều kiện khó khăn, mỗi nhà khi đó chỉ mua nổi một vài củ, việc cắt gọt cho thuỷ tiên nở hoa đúng giao thừa là sự may mắn, vinh hạnh không gì tả hết. Người ta vui với việc gọt tỉa củ thủy tiên, làm sao cho nở hoa vào đúng đêm giao thừa.

Góc phố Hàng Lược trước giai đoạn giải phóng Thủ đô (ảnh ông Thanh cung cấp).

Gọt củ thủy tiên phải gọt làm sao cho lộ được mầm hoa ra, tính toán để căn hoa nở đúng giao thừa. Làm sao tìm và chọn được đúng những bầu củ không có mầm hoa để cắt bỏ, giúp củ chính tập trung chất dinh dưỡng nuôi mầm hoa.

Người có kinh nghiệm mới tìm được mặt nào là mặt trước của củ để lựa thế gọt tạo dáng. Số mầm hoa thường là con số lẻ; 5,7 mầm hoa là chuẩn nhất. Lá cũng phải tỉa trong-ngoài để có dáng mềm mại, cong uốn lượn theo thế của củ và mầm hoa. Người cầu kỳ thì dùng lạt mềm gài sau lá để tạo dáng.

Kỹ thuật dùng dao cũng rất khéo léo, tỉ mỉ, những nhát cắt lượn, lách khéo léo giữa những lớp lá, lớp vỏ, bao hoa… tách lớp vỏ mỏng bên ngoài mà bên trong phải còn nguyên vẹn. Lỡ tay gọt sâu thì vào thịt củ, khiến củ không đủ chất dinh dưỡng nuôi mầm, gãy lá. Nếu không may lỡ tay làm mất cả mầm hoa thì chỉ khóc trong nước mắt, bởi có được một củ thuỷ tiên khi đó thôi là cả niềm kiêu hãnh.

Chơi thuỷ tiên rất cầu kỳ, công phu.

Khâu chăm sóc cũng kỳ công, sau khi tỉa xong phải đắp miếng vải bông trắng lên lòng củ để củ hoa không bị đen. Trời lạnh thì thay nước ấm liên tục để thúc, càng gần ngày 30 Tết càng tăng lượng nước ấm và số lần thay. Để có một cây thuỷ tiên ra hoa đúng đêm giao thừa hay sáng mùng 1 đó là cả một sự kỳ công, tâm huyết.

Phố Hàng Lược khi đó còn có giải thưởng rất lớn cho gia đình nào có thể cắt thủy tiên nở hoa đúng và đẹp nhất đêm giao thừa. Đêm 30 Tết, tại chùa Tứ Vị, mọi người sẽ mang sản phẩm của mình ra thi và đón giao thừa. Giò thuỷ tiên nào nở đúng nhất đẹp nhất, gia đình đó sẽ được kiệu khênh về tận nhà. Gia đình tôi năm 1952 đã lần đầu và cũng là lần duy nhất vinh dự "đăng quang". 

Đôi mắt xa xăm nhìn ra con phố sầm uất, ông khẽ nói: "Giờ đây kinh tế phát triển, thứ gì cũng trở nên dễ dàng, những thú chơi tao nhã vì vậy cũng mai một dần. Một nhành hoa xưa kia cũng đủ khơi gợi biết bao sự tán thưởng trầm trồ. Mua một cây đào lớn bây giờ nhưng kỳ thực cũng không còn nhiều người ngắm. Tôi lại nhớ đến hình ảnh ông Đồ trong thơ: 

 "Nhưng mỗi năm mỗi vắng 

Người thuê viết nay đâu

 Giấy đỏ buồn không thắm

      Mực đọng trong nghiên sầu..."

Đặng Thuỷ-Thành Long