Chính sách

Ký ức của nữ TNXP duy nhất còn sống thuộc “tiểu đội cảm tử” Truông Bồn

Tròn 50 năm, trận bom của đế quốc Mỹ trút xuống Truông Bồn đã cướp đi toàn bộ đồng đội của bà Trần Thị Thông. Trở thành người sống sót duy nhất, bà Thông vẫn luôn kể về lịch sử đầy bi thương nhưng vẻ vang để những người sau không bao giờ quên.

Tiểu đội trưởng “Tiểu đội cảm tử”

Cứ đến đúng ngày 31/10, bà Trần Thị Thông (SN 1946) trú phường Đông Vĩnh, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An lại nghẹn ngào thắp nén hương thơm, rồi giở ảnh lặng nhìn từng khuôn mặt của “Tiểu đội cảm tử” Truông Bồn ngày nào. Năm nay càng đặc biệt hơn nữa khi tròn 50 năm đồng đội của bà qua đời, những ký ức tưởng như bị dòng chảy thời gian xóa nhòa lại ào ạt tràn về.

“Tiểu đội cảm tử” Truông Bồn ngày nào.

“Đến nay tôi đã 72 tuổi rồi, chẳng còn sống được bao lâu nữa. Vì vậy, bất cứ ai đến thăm muốn nghe chuyện cũ thì tôi đều kể. Tôi muốn tất cả mọi người, nhất là thế hệ sau nhớ về một thời đầy bi thương nhưng hào hùng, vẻ vang của đất nước. Tất cả tôi đều nhớ, không thể quên bất cứ gương mặt nào”, bà Thông nói.

Sinh ra trong thời điểm đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, vì thế bà cũng như những thanh niên thời đó đều hừng hực mong muốn cầm súng ra trận giết giặc bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, cuộc sống đói khổ nên dù đã đủ tuổi bà vẫn vô cùng nhỏ bé và gầy gò. Phải đến năm 1965, khi vừa tròn 19 tuổi, bà mới dám xin gia đình viết đơn gia nhập đội thanh niên xung phong.

Lúc đầu bà được phân về Đại đội TNXP 317 với nhiệm vụ hậu cần. Tuy nhiên, sau vài tháng tôi luyện, cùng với việc thể hiện tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, bà được giao làm Tiểu đội trưởng tiểu đội TNXP số 2 hay còn gọi là “Tiểu đội cảm tử” tham gia bảo vệ tuyến đường chiến lược 15A. Đặc biệt là dãy đèo dốc Truông Bồn, thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Bà Thông, người sống sót duy nhất của "Tiểu đội cảm tử".

Vào giai đoạn này, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Các tuyến đường giao thông huyết mạch như QL1A, QL7, đường sắt, đường sông và đường biển để chi viện cho chiến trường miền Nam liên tục bị ném bom. Vì vậy, QL15A đi qua Nghệ An được chọn làm tuyến đường thay thế. Nắm được vị trí chiến lược của con đường này, đế quốc Mỹ đã không tiếc bom đạn hủy diệt, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta.

“Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt lắm. Ngày nào cũng có máy bay đến ném bom. Thế nhưng bất kể ngày hay đêm, hễ máy bay rút chúng tôi lập tức mang cuốc, xẻng san cào lấp hố bom càng nhanh càng tốt để kịp xe thông qua. Lúc ấy, đường 15A nhỏ hẹp chỉ đủ lọt xe tải, có chỗ một bên núi, một bên đầm. Vào ban đêm, do trời tối nên chúng tôi mặc áo trắng đứng thành 2 hàng 2 bên đường để tài xế canh đường đi”, bà Thông nhớ lại.

Công việc vất vả lại đầy nguy hiểm, thế nhưng tất cả thành viên trong “Tiểu đội cảm tử” đều hăng say làm việc, không hề kêu ca. Với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, 14 TNXP (12 nữ, 2 nam) đã cống hiến những năm tháng tuổi trẻ vô cùng ý nghĩa cho đất nước. Niềm vui chiến thắng cận kề khi mọi người biết được thông tin  vào ngày 1/11/1968, Mỹ cam kết ngừng ném bom miền Bắc.

Lịch sử đau thương

Bà Trần Thị Thông rưng rưng nước mắt cho biết, trong tiểu đội TNXP ngày đó, một số người đã cầm trên tay quyết định ra quân, số khác nhận được giấy báo nhập học các trường chuyên nghiệp, thậm chí có 1 đôi trong tiểu đội đã định ngày cưới. Thế nhưng trận bom oan nghiệt ngày 31/10/1968 đã cướp đi sinh mạng của tất cả mọi người.

Tấm bia khắc tên những TNXP đã ngã xuống.

“Vào khoảng 6h, chúng tôi đang chia thành 2 nhóm để san lấp hố bom, bất ngờ máy bay Mỹ vòng tới. Khi vừa nhìn lên trời thì hàng trăm quả bom được giặc Mỹ ném xuống, không ai kịp chạy vào hầm trú ẩn. Mặt đất rung chuyển, Truông Bồn chìm trong khói lửa mù mịt. Tôi bị sức ép của bom nên ngất xỉu, lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh xá, cũng là người sống sót duy nhất…”, bà Thông nghẹn ngào.

Theo bà Thông, việc bà còn sống là điều vô cùng may mắn, bởi lúc đó đất đá cũng chôn vùi toàn bộ thân thể của bà. Nhưng may mắn nòng súng của bà nhô lên mặt đất nên những người tìm kiếm phát hiện và bới lên. Sau đó, bà được đưa về nhà mẹ Nguyễn Thị Thởm ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương trong tình trạng bất tỉnh.

Những ngày sau đó, Truông Bồn chìm trong nước mắt của sự mất mát và đau thương. TNXP, bộ đội và người dân địa phương đã cùng chung sức đào bới tìm kiếm thi thể, thế nhưng sau đó 7 người vẫn không thể tìm được. Máu thịt của họ đã hòa vào đất mẹ, 13 người đã vĩnh viễn ra đi lúc vừa tròn mười tám, đôi mươi.

Truông Bồn hiện là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước.

Tròn 50 năm trôi qua, rừng và cây cỏ đã phủ xanh những vết tích chiến tranh, Truông Bồn xây dựng khang trang sạch đẹp và trở thành biểu tượng bất tử. Có thể nơi đây là sự đau thương, mất mát nhưng cũng là biểu tượng cho ý chí, sức mạnh tinh thần của quân, dân ta trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Truông Bồn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng vũ trang cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.