Gia đình

Ký ức của bà tôi về những cái Tết thời kháng chiến

Tết của thời kháng chiến đơn sơ lắm, mọi người quây quần bên nhau "hái hoa dân chủ", chơi một vài trò chơi nho nhỏ rồi ai lại tiếp tục nhiệm vụ của người đó.

Chiều mùng 2 tết, tôi được dịp thảnh thơi nói chuyện với bà ngoại trong căn nhà gỗ 5 gian mái lợp lá cọ. Trong không khí tết đến xuân về, bà vui vẻ kể về tết của thời bà còn là một nữ du kích. Cái tết năm ấy từ từ hiện về từ ký ức bắt đầu bằng câu nói:

- Mỗi lần đến tết, bà nhớ quê lắm!

Quê hương của bà tôi lúc bấy giờ là thôn Lại Trì, xã Vũ Tây, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình (mà nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Đó là nơi bà sinh ra và lớn lên. Nơi ấy cũng là nơi bà đón cái tết đầu tiên trong vai trò nữ cán sự huyện đội (có nhiệm vụ thành lập đội nữ Du kích địa phương phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Pháp) 17 tuổi.

Căn nhà gỗ 5 gian của bà ngoại.

Đón tết thời kháng chiến

Đêm 30 tết năm Tân Mão, bà cùng cán bộ chiến sĩ tập trung "hái hoa dân chủ". Đón tết cùng bà và mọi người lúc bấy giờ có đồng chí Chủ tịch huyện Xuân Trường (Lúc bấy giờ sơ tán từ Nam Định sang Vũ Tiên) mà bà gọi là anh Ba "đen" - theo lời kể của bà.

Anh Ba "đen" đứng giữa, còn mọi người ngồi quây quần xung quanh. Anh đọc vang hai câu thơ:

"Tân Mão du xuân súng nổ đoành

Tiếng mèo kêu át tiếng liên thanh"

Rồi dặn dò mọi người: "Khi tôi đọc đến câu "Tiếng mèo kêu át tiếng liên thanh" thì các đồng chí kêu meo meo nhé". Mọi người vui vẻ hưởng ứng, ấy vậy mà khi đọc dứt câu thơ đã định, một đồng chí tên Hòa "kêu meo meo" lại làm bộ giơ tay như chĩa súng về phía anh Ba "đen" mà "bắn cái đoàng" khiến mọi người đều cười ồ lên.

Cụ Vũ Thị Âu kể về một cái tết đáng nhớ thời còn là một nữ du kích.

Sau màn đón tết ngắn ngủi ấy, tất cả cán bộ chiến sĩ lại việc ai nấy làm. Lại quay về với bùn đất, với cây lúa, với hầm bí mật.

Quê hương của bà vào những năm kháng chiến, người dân đi sơ tán hết, chỉ còn lại du kích, những nữ du kích như bà ngày đó ngoài việc đánh giặc thì cứ ban ngày đào hầm đào hố, tối đến lại đi cấy dưới ánh trăng, bà tôi kể tiếp: "Tết ngày đó làm gì có cái gì! Không mâm cao cỗ đầy, không quần mới áo mới, thanh niên ngày đó chỉ thích đánh giặc thôi".

Câu chuyện về tết thời kháng chiến được tái hiện qua lời kể của một nhân chứng sống như bà tôi làm tôi thấy cảm phục, thấy tự hào về lịch sử vẻ vang của những con người Việt Nam chân chất.

Khi tôi hỏi, thế còn tết bây giờ thì sao, bà cảm thấy thế nào về cái tết bây giờ, bà nói: "Tết bây giờ ấm no đủ đầy và yên bình lắm cháu ạ, nhưng tết của bà bây giờ là con là cháu nhưng chúng mày cứ đến rồi đi nhanh như một cơn gió vậy. Bà chưa kịp vui thì chúng mày đã kéo nhau đi hết cả rồi. Còn nhanh hơn cả một cơn gió".

Tết của bà bây giờ là con và cháu, nhưng con cháu đến và đi nhanh như một cơn gió. ( Ảnh minh họa)

Chỉ một vài hôm nữa, tôi sẽ chia tay bà để trở về với công việc thường ngày nơi thành thị, nhưng những câu chuyện về tết thời kháng chiến; những hình ảnh về "chiếc tàu há mồm" mà giặc Pháp dùng để càn quét; những mưu trí nhanh nhẹn của người nữ du kích trẻ để thoát khỏi "nanh hùm" giặc Pháp; hay những hình ảnh về một cuộc càn quét nọ, quân giặc bắt lợn của nông dân giết thịt, rồi phá bàn ghế của người dân để làm củi nấu chín chính con lợn ấy ngay giữa sân nhà trong nỗi ấm ức của những con người khốn khổ đang bí ẩn trú dưới hầm bí mật... những hình ảnh của một thời đấu tranh gian khổ sẽ còn mãi trong tôi.

Xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới bà, những người đã đi qua một quãng đường dài thăng trầm của lịch sử và đến nay đã trở thành những nhân chứng sống để thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu phần nào về những khó khăn gian khổ mà thế hệ ông cha ta đã trải qua....