Sức khỏe

Kỳ tích cứu sống bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa rò động mạch hiếm gặp

Một nữ bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa rò động mạch chủ ngực - thực quản nguy kịch vừa được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống.

30 ngày điều trị tích cực cứu bệnh nhân

Ngày 1/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ nhiều chuyên khoa của bệnh viện đã phối hợp cứu sống bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên do rò động mạch chủ ngực - thực quản rất nguy kịch.

Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, khó chẩn đoán, nguy cơ tử vong rất cao nếu không phẫu thuật kịp thời, cũng là ca bệnh đầu tiên được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu tại bệnh viện.

Hình ảnh áp xe trên nội soi tiêu hóa.

Bệnh nhân nữ D.T.H.K., sinh năm 1981, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 17h30 ngày 29/9 với tình trạng nguy kịch, đau bụng vùng thượng vị khoảng 1 tuần,…

Khi bệnh nhân chuẩn bị nội soi dạ dày, tá tràng kiểm tra đột ngột nôn ra máu tươi lượng nhiều, toàn trạng chung niêm nhợt, da xanh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo, tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc giảm thể tích do xuất huyết tiêu hóa trên lượng nhiều chưa rõ nguyên nhân.

Bệnh nhân được hồi sức tích cực, truyền máu và các chế phẩm của máu, dịch truyền và nhanh chóng chuyển thẳng xuống phòng mổ. Đồng thời, tiến hành nội soi tiêu hóa cấp cứu: Kết quả nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng ghi nhận tổn thương dạng thủng thực quản máu từ động mạch chủ ngực rò vào thực quản với lượng lớn.

Bs.CK2 Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Trưởng khoa Nội soi dùng sonde blackmore đưa vào thực quản để cầm máu tạm thời.

Hình ảnh nội soi lỗ thủng thực quản.

Ê-kíp phẫu thuật Ngoại Lồng ngực - Mạch máu gồm: Bs.CK2 Trầm Công Chất - Trưởng khoa, Ths.Bs Trần Thanh Bình, Bs.CK2 Nguyễn Khắc Nam - Khoa Ngoại Tổng hợp, Bs.CK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện kéo dài 5 giờ 30 phút.

Sau phẫu thuật tình trạng bệnh nhân vẫn nguy kịch với sốt cao, phải thở máy. Bệnh nhân được hồi sức tích cực nội khoa, thở máy, kháng sinh, được truyền 40 đơn vị máu và các chế phẩm của máu, dinh dưỡng qua đường tỉnh mạch và mở dạ dày nuôi ăn... Sau hơn 30 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân cải thiện dần.

Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã ăn qua đường miệng 1 tuần và dự kiến 3/11 tới ra viện.

Bệnh hiếm gặp, nguy cơ tử vong cao

Bs.CK2 Trầm Công Chất cho biết, xuất huyết tiêu hóa trên đe dọa tính mạng nguyên nhân thường nhất là do giãn tĩnh mạch thực quản hoặc loét dạ dày. Rò động mạch chủ-thực quản rất hiếm là nguyên nhân gây nên tình trạng xuất huyết như vậy.

Ê-kíp bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Rò động mạch chủ - thực quản là sự tiếp nối giữa động mạch chủ và thực quản, cho phép máu có áp suất cao từ động mạch chủ bơm vào ống tiêu hóa áp suất thấp. Loại đường rò này là một nguyên nhân rất hiếm của xuất huyết đường tiêu hóa trên và hầu như gây tử vong.

Nguyên nhân thường gặp nhất của rò động mạch chủ - thực quản là vỡ phình động mạch chủ ngực, chiếm gần 75% các trường hợp, nguyên nhân phổ biến tiếp theo là dị vật thực quản ăn mòn vào động mạch chủ, chẳng hạn như thủng do xương cá. Các nguyên nhân khác bao gồm giã phình sau khi sửa chữa phình động mạch chủ ngực, khối u ác tính của thực quản hoặc phế quản,...

Nội soi thực hiện đặt stent kim loại tại chỗ thủng thực quản.

Viêm loét thực quản mãn tính là một nguyên nhân hiếm của lỗ rò động mạch chủ và chỉ chiếm 0,5% các trường hợp được báo cáo. Để đảm bảo bất kỳ cơ hội sống sót nào, chẩn đoán phải được thực hiện nhanh chóng sau khi xuất huyết tiêu hóa trên chưa rõ nguyên nhân và có mức độ nguy kịch.

Chỉ 25% bệnh nhân chảy máu lại trong vòng 6 giờ do đó thường không đủ thời gian để chẩn đoán. Nội soi thực quản được khuyến cáo vì nó xác định và loại trừ các nguyên nhân chảy máu khác nhau. Không có trường hợp nào sống mà không có xử trí phẫu thuật.

Chẩn đoán phải được tiến hành thật nhanh để xác định đúng là bị rò động mạch chủ - thực quản. Nếu không chẩn đoán đúng và giải quyết kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tử vong do mất máu. Điểm đặc biệt chính là thương tổn động mạch chủ nằm trong một môi trường nhiễm trùng, nên cần có những phương án phẫu thuật đặc biệt và kỹ lưỡng.

Bệnh nhân ổn định, có thể xuất viện vào vài ngày tới.

Việc phẫu thuật cứu sống bệnh nhân cho thấy năng lực chuyên sâu của chuyên khoa lồng ngực mạch máu, năng lực chuyên môn và sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa và trên hết là tinh thần quyết tâm điều trị đến cùng của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã góp phần hồi sinh những bệnh nhân nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi.

Thanh Lâm