Giáo dục

Kỳ thi IELTS trở lại, giáo viên, trung tâm ngoại ngữ luyện thi IELTS thế nào?

Sau thanh tra của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức thi IELTS đã được mở lại. Để thí sinh đạt kết quả tốt nhiều giáo viên đưa ra lời khuyên về việc học và luyện thi IELTS.

Việc hoãn thi IELTS tại Việt Nam

Về chứng chỉ IELTS, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu IDP Việt Nam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản lịch tổ chức thi với cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức thi trước 5 ngày, tính đến ngày tổ chức thi; gửi báo cáo về các hoạt động liên quan đến việc tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS theo định kỳ 6 tháng một lần và khi có sự thay đổi khác. Đơn vị cũng phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có địa điểm thi.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã thông báo về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đề nghị các cơ sở khẩn trương hoàn thành hồ sơ theo quy định; đồng thời cam kết, sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) sẽ ưu tiên tập trung xử lý, nhanh chóng phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ (đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL).

Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP còn chưa cụ thể. Vì vậy, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Phụ huynh, học sinh tìm hiểu thi IELTS tại IDP. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Trao đổi với Zing, Nguyễn Thanh Trúc (28 tuổi, Tp.HCM), hai năm qua đã dành nhiều thời gian để ôn tập thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Giữa tháng 10, trước khi kỳ thi này bị hoãn, Trúc đã đăng ký tham dự hình thức thi trên giấy vào ngày 17/12.

Cả quá trình ôn luyện, Trúc đều làm đề thi giấy. Vì vậy, khi British Council - một trong hai đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS ở Việt Nam - thông báo cô không có tên trong danh sách thí sinh tham dự đợt thi IELTS trên giấy ngày 17/12 sắp tới, Trúc đã rất sốc và hụt hẫng.

"Tôi nhận được thông tin trên vào ngày 30/11. Lúc đó, bên tổ chức đã bảo tôi lựa chọn giữa việc chờ đợi đến năm sau để tiếp tục thi IELTS trên giấy hoặc đổi qua hình thức thi trên máy tính. Nói là lựa chọn, nhưng những người cần gấp chứng chỉ IELTS như tôi chỉ có thể 'làm liều' chuyển qua thi trên máy thôi", Trúc chia sẻ. 

Thanh Trúc cho rằng trước khi thi IELTS, các thí sinh đều có mục đích rõ ràng và đăng ký sớm 3-5 tháng. Thế nhưng, đơn vị tổ chức kỳ thi lại thông báo hoãn hình thức thi trên giấy đột ngột, khiến các thí sinh như Trúc không biết phải xoay xở như thế nào.

Trong khi đó Thùy Đan (học sinh lớp 12 ở Hà Nội) đã chủ động gọi đơn vị tổ chức kỳ thi IELTS mà bản thân đăng ký dự thi và hoàn thành thủ tục đóng phí vào tháng 10 vừa rồi để chuyển sang hình thức thi trên máy tính. Quyết định này được Đan đưa ra sau khi cô nghe thông tin nhiều ngày thi IELTS trên giấy trong tháng 12 vẫn tiếp tục bị hoãn. Đan cho biết cô không thể chờ đợi các đợt thi trên giấy được tổ chức trở lại vào năm sau.

Nữ sinh này phải hoàn thành kế hoạch có chứng chỉ tiếng Anh IELTS trong năm nay để chuẩn bị hồ sơ xét học bạ vào các trường đại học bản thân mong muốn. Thời gian còn lại của năm học, Đan sẽ tập trung ôn tập thi tốt nghiệp THPT.

Sau khi hoãn thi một thời gian ngắn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa công ty TNHH British Council (Việt Nam), công ty TNHH Công nghệ giáo dục Đông A, công ty CP Phát triển giáo dục và đào tạo ODIN, công ty TNHH University Access Centre Việt Nam và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).

Quyết định này có hiệu lực ngay từ 18/11. Thời hạn hoạt động liên kết này là 5 năm.

Theo quyết định này, đề thi, quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi; cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của các bên khi tham gia tổ chức thi thực hiện theo quy định của Hội đồng Anh và pháp luật Việt Nam. Địa điểm tổ chức kỳ thi ở Hà Nội, Hải Phòng và Tp.HCM.

Sau thanh tra của Bộ GD&ĐT, giáo viên, trung tâm ngoại ngữ luyện thi IELTS có gặp khó khăn gì?

Cô H.Phạm (Thạc sĩ Ngoại ngữ, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) mặc dù không mở trung tâm luyện thi, không quảng cáo... nhưng vẫn luôn có một nhóm học viên nhất định theo học các chứng chỉ như IELTS, VSTEP... do các bạn tự truyền miệng, giới thiệu cho nhau.

Chia sẻ với báo chí, cô H.Phạm, việc dừng rồi cấp phép trở lại thi chứng chỉ IELTS của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng gì đến việc dạy và luyện thi ngoại ngữ của cá nhân cô bởi phương châm "dạy thật, thi thật".

Nhấn mạnh về vấn đề học tủ để thi IELTS, cô Phạm chia sẻ, học chỉ để đỗ hay lấy X chấm IELTS, cô H.Phạm cho rằng, nó sẽ dẫn đến 3 hệ quả chính như sau: Thứ nhất, học viên, phụ huynh tốn nhiều tiền, thời gian để chi tiền cho các khóa học IELTS. Thứ hai, học viên dễ bị ảnh hưởng cả về sức khỏe thể chất (học với cường độ cao và kiến thức vô biên) lẫn sức khỏe tinh thần (học mãi không nâng được band thì dễ bị căng thẳng, mệt mỏi). Cuối cùng, là dễ bị dẫn dụ bởi các đối tượng rao bán bộ đề dự đoán, nhưng trúng hay không thì không ai cam kết, đảm bảo.

Theo báo Tiền Phong, sau thanh tra của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức thi IELTS đã được mở lại. Tuy nhiên, không ít học viên, phụ huynh vẫn tỏ ra lo lắng. Trong khi đó, nhiều giáo viên đưa ra lời khuyên về việc học và luyện thi IELTS.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh (hiện là CEO của trung tâm ngoại ngữ IELTS Masters) - người đã trải qua 3 lần thi IELTS và trở thành người thứ 6 của Việt Nam đạt IELTS 9.0, thông tin, việc dạy và luyện thi IELTS của trung tâm không có thay đổi nhiều sau thanh tra của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cô đã có thay đổi nhỏ và củng cố phương pháp dạy ngoại ngữ của mình trong việc đa dạng hóa nội dung, phương thức tiếp cận, sử dụng ngoại ngữ cho học viên.

"Với tôi, tiếng Anh hoặc bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, cần được sử dụng thường xuyên, chủ động, và đa dạng để tiến bộ một cách toàn diện.

Học viên phải hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc mở ra hàng trăm, hàng ngàn cánh cửa kiến thức và cơ hội để vươn ra thế giới. Từ đó sẽ chủ động và hăng say học tiếng Anh một cách thực chất nhất, chứ đừng coi IELTS là một chứng chỉ, chỉ cần đạt được nó, nhưng rồi lại chẳng sử dụng được ngôn ngữ tiếng Anh trong công việc.

Thạc sĩ Quỳnh cho biết thêm, một người đạt điểm cao trong IELTS chưa hẳn có thể sử dụng ngôn ngữ Anh linh hoạt trong cuộc sống thường ngày và trong công việc. Nếu chỉ cần điểm cao thôi, bạn có thể luyện thi say mê để đạt điểm. Nhưng nếu bạn thật sự trân trọng và đam mê tiếng Anh, muốn học, làm việc và tư duy trong môi trường Anh ngữ, học viên luôn phải đa dạng hoá các nội dung và phương thức dùng tiếng Anh của mình.

Và cũng như bao kỳ thi khác, để được điểm cao IELTS cũng đòi hỏi các bạn phải biết cách làm bài đúng và đủ khéo léo để đáp ứng được các tiêu chí chấm điểm.

"Điều quan trọng, học viên phải hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc mở ra hàng trăm, hàng ngàn cánh cửa kiến thức và cơ hội để vươn ra thế giới. Từ đó sẽ chủ động và hăng say học tiếng Anh một cách thực chất nhất.

Riêng tôi, tôi không thật sự học IELTS nhưng đã sử dụng tiếng Anh liên tục trong cuộc sống suốt 12 năm qua. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục dùng tiếng Anh trong công việc làm tư vấn cho dự án phát triển của chính phủ Úc, giảng dạy IELTS, và trong cuộc sống hàng ngày", chị Quỳnh chia sẻ.

International English Language Testing System (IELTS) là hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế, gồm bốn kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc và Viết, phục vụ mục đích học tập, làm việc và định cư. Chứng chỉ IELTS hiện được công nhận ở hơn 11.000 cơ sở đào tạo ở 140 quốc gia. Năm 2018, kỳ thi này đã đạt mốc 3,5 triệu lượt thi trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, IELTS xuất hiện từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Trước kia, đa số thí sinh thi IELTS để bổ sung chứng chỉ vào hồ sơ du học, làm việc tại nước ngoài hoặc giảng dạy tiếng Anh tại các trung tâm, trường học ngoài công lập. Nhưng vài năm gần đây, nhiều đại học Việt Nam có xu hướng tuyển sinh bằng điểm IELTS kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nếu có chứng chỉ này, sinh viên sẽ được miễn một số học phần tiếng Anh và xét công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Hai đơn vị tổ chức thi IELTS ở Việt Nam là Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục quốc tế IDP, lệ phí thi là hơn 4,6 triệu đồng một lượt. Hiện, mỗi đơn vị này có hơn 100 đối tác liên kết trên cả nước.

Trúc Chi (Tổng Hợp)