Văn hoá

Kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu

Sáng 21/4, tỉnh Thanh Hóa tổ chức kỷ tưởng niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành đền thờ tại di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa đã tổ chức lễ khánh thành và dâng hương đền thờ Lê Văn Hưu tại di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Tham dự buổi lễ có lãnh bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung và dòng họ Lê xã Thiệu Trung.

Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, mảnh đất có nhiều danh nhân, khoa bảng, anh hùng, hào kiệt … Trong những danh nhân xứ Thanh có nhà sử học Lê Văn Hưu - người được mệnh danh là “Ông tổ của nền sử học Việt Nam”. Bằng trình độ và tâm huyết của mình, nhà sử học Lê Văn Hưu đã soạn ra bộ “Đại Việt sử ký” lưu truyền cho hậu thế.

Đền thờ Lê Văn Hưu ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá đã được bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Đến nay, đền thờ đã xuống cấp nghiêm trọng, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các cấp chính quyền muốn sớm được đầu tư tu bổ, tôn tạo nơi thờ tự nhà sử học Lê Văn Hưu cho khang trang xứng tầm.

Tượng nhà sử học Lê Văn Hưu trong khuôn viên khu di tích tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá. Dự án gồm 9 hạng mục công trình được chia làm 3 giai đoạn đầu tư (từ năm 2018 - 2022), với tổng mức đầu tư trên 29 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ là 10 tỷ đồng).

Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm 1230, ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Từ thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, có rất nhiều giai thoại bộc lộ tư chất hơn người của ông.

Với tài học lừng danh, lại chăm dùi mài kinh sử, Lê Văn Hưu đã đỗ bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (năm 1247) đời vua Trần Thái Tông. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước ta lấy danh vị Tam khôi.

Lê Văn Hưu được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu.

Trong thời kỳ làm quan, Lê Văn Hưu được biết đến với học vấn uyên thâm, đức độ hơn người, được vào cung theo lệnh của của vua Trần Thái Tông, giảng sách cho hoàng tử Quang Khải. Trần Quang Khải là bậc vương công toàn tài, không chỉ tinh thông võ nghệ, mà giỏi cả thi thư và sau này trở thành thượng tướng quân, vang danh trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược.  

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo - nhà sử học Lê Văn Hưu đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn không chỉ của người Thanh Hoá, mà còn ở nhiều nơi trong cả nước.  

Không chỉ là bảng nhãn đầu tiên, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hoá lớn ở thế kỷ XIII, XIV, Lê Văn Hưu là người đặt nền móng cho quốc sử dân tộc.  

Các đại biểu và đông đảo người dân tham dự lễ kỷ niệm 700 ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu.

Vâng lệnh của vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi, sơ sài của thời nhà Lý và cùng thời để biên soạn lại, hoàn thiện bộ quốc sử có tên “Đại Việt sử ký” từ Triệu Vũ Đế (năm 207 trước công nguyên) đến đời Lý Chiêu Hoàng (năm 1244) gồm 30 quyển, đã được vua Trần Thánh Tông hết sức khen ngợi.

Tác phẩm “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu được đánh giá là bộ quốc sử ghi dấu mốc quan trọng đầu tiên cho nền sử học nước nhà.