Chính sách

Kỹ năng quan trọng bảo vệ chứng cứ khi trẻ em bị xâm hại

Bạo hành và xâm hại trẻ em có dấu hiệu gia tăng và ngày càng phức tạp, do đó các kỹ năng giáo dục trẻ đặc biệt là bảo vệ chứng cứ vụ việc là rất quan trọng.

Những con số báo động

Ngày 30/10/2020 tại Hà Nội, trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Bảo vệ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Đặng Thị Thanh - Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên cho biết, mục đích hội thảo nhằm hoàn thiện kỹ năng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, đặc biệt là kỹ năng bảo vệ thu thập chứng cứ vụ việc cũng như phòng ngừa với người thân. 

Tại hội thảo, bà Trần Thị Lịch - Thẩm tra viên chính vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao cho biết, theo thống kê của bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho thấy số vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục tăng trong những năm qua, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ rất cao.

Hội thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện kỹ năng bảo vệ xâm hại trẻ em, đặc biệt là bảo vệ, thu thập chứng cứ. 

Cụ thể, năm 2018, số liệu đã thống kê cả nước có hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ, trong đó gần 1.300 trẻ bị xâm hại tình dục. Đặc biệt, chỉ 6 tháng đầu năm 2019, có tới 1.400 trẻ em bị xâm hại.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Đoàn, nguyên Thẩm phán, Phó chánh Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao, cung cấp số liệu thống kê của bộ Công an cho thấy, riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, số vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 61% tổng số vụ hiếp dâm, gây bức xúc lớn trong xã hội.

Theo bà Lịch, con số trên chỉ là số vụ được thống kê, còn thực tế số vụ còn cao hơn do chưa bị phát hiện. Bởi những nơi an toàn lại chính là nới tiềm ẩn nguy cơ cao như ngay tại nhà, nhà trường, thậm chí nhà chùa. Đối tượng xâm hại trẻ thường là người quen thân như cha mẹ, bố mẹ kế, thầy cô giáo, người có địa vị...nên người xung quanh không đề phòng, bản thân trẻ nhỏ cũng không dám lên tiếng. 

Bà Trần Thị Lịch phát biểu tại hội thảo. 

Không chỉ dừng lại ở số vụ gia tăng, tính chất nghiêm trọng của nhiều vụ bạo hành được báo chí đăng tải cũng gia tăng. Mới đây, dư luận bàng hoàng, bức xúc vụ bé gái ở Đông Anh bị mẹ đẻ và bố dượng bạo hành đến chết. 

Những kỹ năng bảo vệ chứng cứ

Lê Thị Kim Oanh, nguyên Phó Vụ trưởng vụ An ninh VKSND Tối cao cho biết, phụ huynh cần trang bị những kỹ năng cần thiết để trẻ em tự bảo vệ. Đặc biệt, với phụ huynh thường xuyên quan tâm, tâm sự để phát hiện dấu hiệu bất thường của con em, để các cháu nhỏ dũng cảm nói ra khi bị xâm hại. 

Trong khi đó, khi trẻ báo về việc xâm hại thì kỹ năng xử lý của phụ huynh là rất quan trọng. Cụ thể, người nhà cần thu thập chứng cứ về vụ việc trước khi loan thông tin ra ngoài vì vụ việc vỡ lở thủ phạm sẽ tìm cách che giấu, tiêu hủy bằng chứng phạm tội.

Bên cạnh đó, điều đơn giản nhưng rất quan trọng đó là khi xảy ra sự việc, phụ huynh không được tắm cho con. Việc tắm rửa, giặt đồ của con sẽ làm mất chứng lưu giữ trên cơ thể và quần áo của con đã mặc. Trường hợp cần thiết sẽ giao nộp cho cơ quan điều tra để truy tìm các dấu vết tinh trùng, dấu vết vân tay, lông tóc của thủ phạm trên cơ thể, quần áo và đồ đạc của trẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh phát biểu tại hội thảo. 

Khẩn trương đưa trẻ đi khám, xét nghiệm vết thương tại cơ sở y tế có chuyên môn ngay khi phát hiện. Nếu bệnh viện cho biết nghi ngờ con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục thì đề nghị bệnh viện cung cấp hồ sơ bệnh án và giữ lại các giấy khám, đơn thuốc, thu thập mẫu (tinh dịch, tinh trùng, ADN...).

Cùng với đó, phụ huynh cần đến cơ quan công an làm đơn tố cáo tội phạm đồng thời đề nghị cơ quan công an có công văn đề nghị bệnh viện chuyển giao kết luận giám định về mẫu đã thu thập do gia đình cung cấp.

Các địa chỉ cần thiết để được trợ giúp qua các số điện đường dây nóng như: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111); Cục chăm sóc bảo vệ trẻ em (1800 1567); Cảnh sát phản ứng nhanh (113).

Các đại biểu thảo luận. 

Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí về tầm quan trọng đặc biệt trong thu thập và bảo vệ chứng cứ trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Đối với chứng cứ là vật chứng thì việc thu thập phải kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Cái đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến, bài phát biểu về nguyên nhân, các giải pháp cần thiết hiện nay cũng như kiến nghị hoàn thiện chuyên đề "Kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, bạo hành trẻ em và bảo vệ chứng cứ". 

“Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai”, trẻ em là tương lai của đất nước. Để ngăn chặn không cho tội ác xâm hại đến trẻ em cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục đến toàn dân, đầu tư thích đáng về con người, tăng cường nguồn lực cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Tất cả cùng chung tay, chung sức bảo vệ trẻ em, đem lại cho trẻ em cuộc sống bình yên, hạnh phúc và một xã hội trong sạch lành mạnh.