Pháp luật

Kỷ luật 62 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng: Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực

Cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 62 người đứng đầu để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách. Xử lý tội phạm tham nhũng được đánh giá "không có ngoại lệ".

Sáng 14/9, phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020. Thừa ủy quyền của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, với những nỗ lực không ngừng kể từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII, công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt..

Tham nhũng được ví như "vòi bạch tuộc" cần bị chặt đứt (Ảnh minh họa).

Liên quan tới việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Trong kỳ báo cáo, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhận định: “Những kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua đã khẳng định rõ quyết tâm chính trị rất cao của của Đảng, Nhà nước chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, qua đó củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới trong việc chống “giặc nội xâm”, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước. 

Có thể nói, hiếm có thời điểm nào mà công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực lại có kết quả rõ rệt, tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có đặc quyền - bất kể người đó là ai. Minh chứng cụ thể nhất cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước là việc đưa một loạt “đại án” ra xử lý và xét xử nghiêm khắc, xử lý những cán bộ, viên chức, kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ diện Trung ương quản lý. Việc xử lý đó là đau đớn nhưng “không sợ làm sẽ mất uy tín”, mà nhất thiết phải làm để "cơ thể" Đảng và Nhà nước được "khỏe mạnh", là “để lấy lại uy tín” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh".

Ông Lê Quang Thưởng chia sẻ: “Qua theo dõi trên báo chí, tôi được biết, báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng năm 2020 nêu rõ việc nhiều trường hợp cán bộ đã bị tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ điều tra vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như: Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến… Điều đó cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, nhận được sự đồng tình của dư luận".

Ông Lê Quảng Thưởng đã bày tỏ quan điểm, để hạn chế tội phạm tham nhũng cần có cơ chế kiểm soát được quyền lực. Mặc dù kiểm soát quyền lực là vấn đề không đơn giản nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước khó đạt hiệu quả. Do đó, yêu cầu bức thiết là phải có biện pháp thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ tốt trong công tác kiểm tra, giám sát. Tích cực đổi mới công tác này theo hướng: Tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thanh tra, kiểm toán tập trung vào lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực; giám sát đột xuất, thường xuyên...

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, CQĐT đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019).

VKSND các cấp đã giải quyết 218 vụ/621 bị can, đạt 74,1 %, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó truy tố 218 vụ/577 bị can, đạt 100 % tổng số án đã giải quyết (tăng 1,6 % so cùng kỳ năm 2019). TAND các cấp đã thụ lý 388 vụ với 1.101 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 203 vụ với 523 bị cáo về các tội tham nhũng.

 

Hương Lan