Dân sinh

Kỳ lạ tục gọi con vật đón giao thừa và cho đồ vật “ăn bánh chưng"

Bên cạnh những tập tục độc đáo, “đặc sản” không thể thiếu trong ngày Tết của người Lô Lô là truyền thống cho các con vật, đồ vật nghỉ ngơi, đón Tết như con người…

Kỳ lạ chuyện cho cuốc xẻng… “ăn bánh chưng”

Giữa cái se lạnh của những ngày đầu xuân mới, vượt chặng đường hơn chục cây số đèo dốc từ trung tâm thị trấn, chúng tôi tìm đến xóm Khuổi Hon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng). Xóm nhỏ của người Lô Lô ở Khuổi Hon là những ngôi nhà sàn nằm cheo leo lưng chừng núi, bên dưới là những thửa ruộng bậc thang lên xuống như cung đàn.

Xóm Khuổi Hon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc) nằm trên lưng núi, đường đi lại khá khó khăn.

Đi trên những cung đường nơi đây, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguyên sơ kì vĩ mà nên thơ của núi rừng. Những cây mận, cây lê nở rộ đua sắc như hoà chung với không khí rộn ràng của bản làng trước thềm xuân mới. Hoà với thiên nhiên, người Lô Lô trong xóm gắn bó khăng khít với nhau bởi những phong tục, tập quán độc đáo, ẩn chứa những giá trị văn hóa từ lâu đời.

Đón chúng tôi trong gian nhà sàn 4 mái truyền thống, anh Anh Na Văn Trương, cán bộ xóm Khuổi Hon cho biết, xóm có tổng cộng 61 hộ với 100% là người Lô Lô. Ngồi bên bếp lửa ấm cúng, nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng, anh Trương chia sẻ: “Người Lô Lô có nhiều lễ, nhưng Tết cổ truyền là quan trọng và tổ chức to nhất trong năm. Quan trọng nhất trong những phong tục truyền thống là tục thờ tổ tiên, tục này đã trở thành nét đẹp văn hoá khi Tết đến, xuân về”.

 Phong cảnh núi non hùng vĩ, đậm chất trữ tình

Bên khung cửi chị Chi Thị Pín, vợ anh Trương đang miệt mài chỉnh sửa những bộ quần áo dân tộc đầy màu sắc. Anh Trương cho biết vào những ngày giáp Tết, khi những người đàn ông trong gia đình bắt lợn, gà chuẩn bị nguyên liệu cho bữa cơm tất niên thì những người phụ nữ lại cặm cụi, tỉ mẩn thực hiện những công đoạn cuối cùng để dệt những bộ quần áo mới cho các thành viên trong gia đình.

Mỗi năm, mỗi thành viên trong nhà chỉ được may một bộ quần áo mới, thế nên trẻ con trong vùng đều háo hức, mong chờ Tết để được diện những bộ cánh sặc sỡ, thơm mùi vải. Để tạo nên một bộ quần áo truyền thống, người phụ nữ phải mua sợi và bắt tay vào dệt từ tháng 10 dương lịch vì khoảng 6 tháng mới hoàn thiện.

Khác với các dân tộc khác trong những ngày giáp Tết, trên bàn thờ của người Lô Lô không thể thiếu một loại cây là “mà si phìa” (một loại cây được cho là cây thiêng) lấy từ trong khu rừng thần của bản. Cầm trên tay cành cây quý, anh Trương cho biết, ngày Tết cành cây này được cắm từ chân cầu thang, cửa nhà đến bàn thờ tổ tiên như thay lời cầu chúc cho gia đình khoẻ mạnh, hạnh phúc…

 Cây “mà si phìa” được người Lô Lô coi như là loài cây quý không thể thiếu trong dịp Tết

Ngày 30, mọi gia đình phải tự biết sắp xếp các đồ vật trong gia đình ngay ngắn. Từ cuốc, xẻng, con dao, cái rựa đến cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các công cụ lao động này được "nghỉ Tết" và mọi người trong nhà không được chạm đến hay chuyển đi nơi khác. Tối đến họ sẽ thắp một nén nhang để cảm ơn những đồ dùng này vì đã có công với gia đình sản xuất ra nhiều sản phẩm. Lý giải về điều này anh Trương cho biết, từ xa xưa người Lô Lô quan niệm vạn vật đều có linh hồn, ngày Tết tất cả đều phải được đón Tết đủ đầy. Vì vậy sau một năm làm việc vất vả, họ muốn cho những đồ vật được nghỉ ngơi, cùng con người “ăn bánh chưng” và chào đón một năm mới.

Đêm 30, chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về ăn Tết với con cháu. Sau khi thực hiện xong các nghi thức, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ăn uống và trò chuyện. Bên cạnh những câu chuyện năm cũ, các thành viên trong gia đình lần lượt chúc nhau sức khoẻ, con cháu thảo hiền, học giỏi.

Giải mã tập tục gọi gia súc dậy đón giao thừa

Giao thừa là khoảng khắc được dân Khuổi Hon, bất kể già trẻ, gái trai chờ đợi. Với người Lô Lô, đón giao thừa không phải là khi đồng hồ chỉ 00 giờ, mà là khi trong bản vang lên tiếng gà gáy đầu tiên.

 Vậy nên sau bữa cơm tất niên, người lớn thường đưa trẻ nhỏ ra nhà văn hoá xóm, háo hức chờ đợi tiếng gà gáy và con gà gáy ở nhà nào thì chủ nhà đó gọi mọi người đón mừng năm mới. Theo lời kể của người già, gia đình có gà gáy đầu tiên trong làng sẽ có một năm mới tốt đẹp, sức khoẻ dồi dào, làm ăn tiến tới,.. Sau tiếng gáy điểm chỉ thời khắc xuân sang, mọi người sẽ khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí vang lên, náo nhiệt cả bản làng.

Anh Trương vui vẻ kể về những phong tục truyền thống trong ngày Tết của người Lô Lô

 “Nhiều người cũng thắc mắc về những điều này, nhưng theo lời già bản kể lại chúng tôi chỉ biết rằng tiếng gà gáy được coi là điềm lành, xua tan đi những điều tối tăm, u ám của năm cũ và đánh thức những nguồn năng lượng tốt đẹp, mang đến tài lộc cho năm mới. Về tập tục gọi gia súc dậy đón giao thừa xuất phát từ tâm niệm bất kể con vật, đồ vật đều có linh hồn nên đều được “đón Tết” như con người”, anh Trương kể lại.

Thành kính tục thắp hương khi đi lấy nước ở đầu nguồn

Khoảng 3 - 4 giờ sáng mùng Một, mọi người nô nức rủ nhau đi lấy nước tại đầu nguồn. Đây là nơi linh thiêng của dân bản, họ coi là nguồn cội, tổ tiên. Người đi lấy nước mang theo hai que hương, một nén thắp ở trước cửa nhà và một nén thắp ở đầu nguồn. Nước được lấy một phần dùng để pha nước mời tổ tiên, phần còn lại sẽ dùng để làm bánh nếp. “Những việc làm này thể hiện tấm lòng tôn kính nên năm nào tôi cũng đại diện gia đình đi lấy nước, tự tay nấu và pha nước mời tổ tiên”, anh Trương cho biết.

Nơi đầu nguồn là nơi lấy nước mới vào ngày mùng Một Tết 

Nếu các dân tộc khác ngày mùng Một sẽ mở rộng cửa để chào đón người thân, bạn bè đến chúc Tết, thì với người Lô Lô lại khác. Theo phong tục, trong ba ngày Tết, họ phải đóng chặt cửa, kể cả có khách vào chúc Tết cũng phải tự đóng cửa sau khi bước vào nhà. Chỉ tay về phía cửa, anh Trương cho biết riêng cây quý “mà si phìa” cắm trước cổng cũng tuyệt đối không được gỡ ra vì người già cho rằng cả năm gia đình sẽ “mất lộc”. 

Ánh chiều ngả dần xuống mái hiên cũng là lúc chúng tôi phải chào tạm biệt gia đình anh Trương để kịp xuống núi. Cái se lạnh của những ngày xuân trên nẻo cao khiến chúng tôi không khỏi quyến luyến với hơi ấm toát ra từ bếp lửa ấm nồng trong gian nhà của người Lô Lô.

Chia sẻ với PV Người đưa tin Pháp luật, bà Phạm Bích Quyên, cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Bảo Lạc cho biết: “Trong 61 hộ với tổng cộng 289 người tại xóm Khuổi Hon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc) có 100% là dân tộc Lô Lô. Bởi vậy đây là nơi lưu giữ những phong tục truyền thống gần như là nguyên vẹn của đồng bào. Hiện, chính quyền các cấp cũng đang thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hoá dân gian của dân tộc này. Với bản sắc riêng độc đáo, các làng bản người Lô Lô có thể trở thành điểm du lịch văn hoá hấp dẫn trong tương lai”.

PHƯƠNG LY