Văn hoá

Kỳ lạ thị trấn "cấm không ai được chết", mặt trời không lặn suốt 4 tháng

Hàng chục năm qua người dân ở Thị trấn Longyearbyen không một ai được phép “chết” và không được phép chôn cất trên mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên.

Thị trấn Longyearbyen, nằm dưới thung lũng Longyeardalen và ven bờ Adventfjorden, thuộc vịnh Isfjorden ở bờ biển phía Tây đảo Spitsbergen, quần đảo Svalbard (Na Uy). Quần đảo Svalbard vốn được nhà thám hiểm Hà Lan William Barentsz phát hiện vào năm 1596. Hiệp ước Svalbard vào năm 1920 đã công nhận chủ quyền của Na Uy đối với đủ quần đảo, và Đạo luật Svalbard 1925 đã cho phép Svalbard trở thành một phần của Vương quốc Na Uy.

Longyearbyen, thị trấn nằm ở cực Bắc của thế giới.

Thị trấn Longyearbyen là điểm định cư lớn nhất và là trung tâm hành chính của Quần đảo Svalbard. Đây cũng được coi là “điểm dừng chân cuối cùng trước khi tới cực Bắc”. Thị trấn có khoảng 2.300 người sinh sống, nhưng vốn không phải là nơi định cư “đời này nối tiếp đời kia”. Họ chủ yếu là những người làm nghề du lịch và các nhà khoa học, thám hiểm chuyên nghiên cứu và khám phá về Bắc Cực đến sinh sống một thời gian rồi lại ra đi. Mặc dù dân số Longyearbyen quá ít ỏi nếu so sánh với bất cứ nơi đâu, nhưng thật ngạc nhiên, đó là một cộng đồng đa văn hóa với gần 50 quốc tịch khác nhau như Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Chile, Philippines và Thái Lan... Đây cũng là một trong những nơi an toàn nhất trên Trái Đất, hầu như không có tội phạm.

Ban đầu, thị trấn xa xôi này chẳng được mấy ai biết đến, nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 1975, khi Svalbard mở cửa sân bay quốc tế đầu tiên và cũng là duy nhất trên quần đảo này, khiến lượng du khách đến càng ngày càng đông. Kể từ đó, Longyearbyen không còn bình yên nữa. Dần dà, lượng du khách đến với thị trấn ngày càng tăng lên. Họ đến đây để được ngắm hiện tượng cực quang huyền diệu, kỳ ảo.

Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của miền cực Bắc, những ngôi nhà ở đây nằm san sát nhau theo từng hàng ngay ngắn và được sơn nhiều màu sắc sặc sỡ để nổi bật trên nền tuyết trắng như xua đi cái đơn độc, nơi cây cối không thể sinh trưởng do băng và giá rét quanh năm. Đây cũng là một điểm thu hút khách du lịch hàng năm.

Ngoài ra, Thị trấn Longyearbyen cũng không dành cho người chết. Theo đó, vào tháng 2, nhiệt độ trung bình tại đây vào khoảng -15 độ C, thậm chí có lúc hạ kỷ lục xuống -40 độ C. Điều này đồng nghĩa với việc, những thứ chôn dưới lòng đất cũng trong trạng thái đóng băng vĩnh cửu. Và suốt nhiều tháng trời, người dân sống hoàn toàn trong bóng tối.

Trong khi đó vào mùa hè, nhiệt độ có nhích lên đôi chút. Đó là thời điểm mặt trời liên tục chiếu sáng suốt 4 tháng liền không lặn.

Do khí hậu quá lạnh giá khiến thi thể không phân hủy.

Chính bởi khí hậu quá khắc nghiệt khiến những xác chết được chôn ở đây không thể phân hủy dưới lớp băng vĩnh cửu. Thậm chí, các nhà khoa học còn tìm thấy virus cúm còn nguyên vẹn trong cơ thể một người đàn ông chết trong trận đại dịch từ năm 1917. Lo ngại về môi trường và sức khỏe của người dân nên kể từ năm 1950, chính quyền thị trấn Longyearbyen bắt buộc đưa ra lệnh cấm kỳ lạ - đóng cửa nghĩa trang và ban hành lệnh cấm cư dân chết ở đây.

Hiện tại lệnh cấm vẫn được áp dụng, những người ốm nặng hoặc cận kề cái chết sẽ được chuyển đến một thị trấn khác ở Na Uy và sống những ngày cuối cùng tại đây.

Nếu không xét đến yếu tố khí hậu khắc nghiệt, thì Longyearbyen được đánh giá là thị trấn thơ mộng, yên bình. Đây cũng là nơi duy nhất ở Na Uy du khách có thể tới mà không cần visa.

Quốc Tiệp (theo Pháp luật Việt Nam, VTC News, Dân trí)