Dân sinh

Kon Tum: Vì sao khu tái định cư tiền tỷ bỏ hoang?

Để tránh ngập lụt, thiên tai, gần 200 hộ dân được di dời về khu tái định cư. Thế nhưng, nơi ở mới không có đất sản xuất khiến họ chán nản khăn gói về làng cũ.

Người dân "lơ" nhà mới

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, năm 2009, dự án thủy điện Đăk Đrinh nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi được khởi công xây dựng. Nhà máy có công suất 125MW, do Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) làm chủ đầu tư.

Để thực hiện dự án này, đồng nghĩa với việc 192 hộ với 843 khẩu ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông phải “nhường đất”. Một khu tái định cư quy mô, khang trang, được trang bị hệ thống đường điện thắp sáng với 192 căn nhà để đưa người ra khỏi vùng lòng hồ, tránh nguy hiểm mùa mưa lũ.

Khu tái định cư được xây dựng để bố trí cho người dân di chuyển từ lòng hồ lên sinh sống.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại theo ghi nhận của PV, khu tái định được đầu tư xây dựng quy mô ngày nào giờ trở nên tan hoang, cỏ mọc um tùm.

Tất cả vì đa phần người dân không mấy mặn mà với nơi ở mới. Bởi, có nhà mới nhưng trái lại không có đất sản xuất, cảnh tác. Do đó, khi chuyển về ở được một thời gian nhất định, thì hầu hết bà con lại khăn gói trở về làng cũ chấp nhận rủi ro thiên tai.

Tại khu tái định cư này, hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp một vài người dân đang trốn nắng dưới hiên những ngôi nhà bỏ hoang.

Những ngôi nhà tái khu tái định cư bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Trò chuyện với chúng tôi, anh A Hương, ngụ thôn Tu Rét, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông trải lòng: “Gia đình mình có 4,4 héc ta đất để canh tác. Năm 2013, vì tiến độ thi công gấp rút của dự án thủy điện Đăk Đring nên toàn bộ diện tích của gia đình bị thu hồi với số tiền đền bù 565 triệu đồng.  

Thế nhưng cho đến nay mình chỉ mới nhận được 1 triệu đồng, số tiền còn lại đã gần 10 năm nay gia đình vẫn chưa nhận được.

Thủy điện còn nợ trên 500 triệu, bây giờ gia đình mong muốn Nhà nước trả sớm để làm kinh tế, nuôi con cái học hành. Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng tìm những vị trí đất thuận lợi để bà con canh tác, ổn định ở vùng tái định cư".

Tại khu tái định cư không có đất sản xuất nên hầu hết người dân khăn gói trở về làng cũ sinh sống bất chấp thiên tai.

Anh A Hrum, Trưởng thôn Tu Rét cho biết, trong thôn có 36 hộ dân có đất bị thu hồi để xây dựng khu tái định cư. Đến nay chỉ có 14 hộ được nhận một phần tiền đền bù hỗ trợ, còn lại hầu hết là chưa được nhận.

Hộ nhiều nhất chưa nhận là 500 - 600 triệu đồng, hộ ít nhất là 50 triệu. Người dân trong làng cũng ý kiến rất nhiều lần về vấn đề này nhưng cho đến nay các cấp chính quyền vẫn chưa giải quyết cho bà con.

Để tồn tại giữa vùng rừng núi, người dân buộc phải quay trở về làng cũ sinh sống. Dù biết, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi mùa lũ lụt đang cận kề, giao thông đi lại khó khăn nhưng không có cái ăn, buộc bà con phải mạo hiểm”.

Mòn mỏi chờ đền bù

Liên quan đến vấn đề này, UBND huyện Kon Plông đã có Báo cáo số 522/BC-UBND về việc chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định canh, định cư dự án thủy điện Đăk Đring.

Trong đó, UBND huyện Kon Plông kiến nghị, số tiền bồi thường, hỗ trợ chưa chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 27,8 tỷ đồng gồm, hỗ trợ đất và tài sản trên đất các khu tái định cư.

Khoản chi phí này không thuộc khoản chi phí bồi thường hỗ trợ tăng thêm 33,286 tỷ đồng. Qua đó, huyện đề nghị chủ đầu tư sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống.

Người dân trở về làng cũ sinh sống, bất chấp rủi ro thiên tai.

Tại buổi thông tin về tình hình Kinh tế - xã hội, ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết: "Về nội dung liên quan đến việc phát sinh thêm về kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định canh, tái định cư khoảng 33,268 tỷ đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Đăk Đrinh tại địa bàn huyện Kon Plông.

UBND tỉnh Kon Tum đã có báo cáo đề xuất với các Bộ Công Thương, các Bộ ngành Trung ương có liên quan và Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, theo quy định pháp luật.

Văn phòng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và đơn vị chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Đrinh rà soát, kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật.

Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện Kon Plông và chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Đrinh triển khai thực hiện theo quy định".