Chính sách

Kinh tế - xã hội khởi sắc nhưng nông nghiệp vẫn điệp khúc "được mùa mất giá"

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tăng trưởng liên tục nhưng nông nghiệp vẫn bấp bênh, được mùa mấy giá, rồi lo giải cứu… Vậy, phải làm sao để nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững.

Trong hai ngày 26, 27/10, Quốc hội tập trung thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Trong ngày làm việc đầu tiên về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH cũng đã bày tỏ đồng tình với các báo cáo của Chính phủ.

Các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 26/10 (Ảnh: Quochoi.vn).

Bên lề Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng đã có những chia sẻ, đánh giá của mình về nền kinh tế cả nước trong năm 2018.

Đánh giá về những kết quả kinh tế năm 2018, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho hay: “Trong 9 tháng đầu năm chúng ta tăng trưởng 6,98% là mức tăng trưởng cao nhất từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008 đến nay. Do đó, kết quả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt so với kế hoạch tăng trưởng là trên 6,7%. Nhìn trong 3 năm, năm 2016 chúng ta tăng trưởng 6,21%, 2017 tăng trưởng 6,8%, bình quân 3 năm chúng ta tăng trưởng 6,57% GDP.

Xét trong 5 năm, 3/5 chặng đường kinh tế nước ta đã đạt kế hoạch và hoàn toàn có thể tự tin cho việc thực hiện trọn vẹn kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020”.

Đánh giá thêm về nền kinh tế của nước ta năm 2018, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, đáng ghi nhận là kinh tế đã đạt kết quả kép. Vừa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô.

“Ổn định kinh tế vĩ mô thể hiện qua vấn đề kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, cán cân thương mại 9 tháng đầu năm nước ta xuất siêu 6,4 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Do đó, cán cân thương mại trong 3 năm qua xuất siêu liên tục, góp phần giúp cán cân vãng lai, cán cân quốc tế đều thặng dư, tăng dự trữ ngoại hối.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, tình hình thương mại thế giới dao động rất lớn, nhiều đồng tiền trên thế giới mất gía mạnh so với USD. Nhưng, ở Việt Nam tỷ giá được kiểm soát theo mong muốn của Chính phủ và điều hành có lợi cho những người đang giữ tiền đồng Việt Nam”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho hay.

Từ đó, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận định, năm 2018 là năm Việt Nam có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng năm 2018 Việt Nam có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về chất lượng tăng trưởng, cử tri cũng lo lắng về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh còn chậm. Giải đáp về những băn khoăn này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, chất lượng tăng trưởng có thay đổi rất lớn.

“Cụ thể, tốc độ tăng năng suất của nước ta cao hơn so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, năng suất lao động tăng bình quân 5,6%/năm so với trước đây 4,3%, hay TFP, yếu tố tổng hợp cũng được cải thiện so với giai đoạn trước đây khoảng 33,5% giờ đã đạt mức trên 42% thể hiện chất lượng tăng trưởng tốt hơn.

Tuy nhiên, các chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hay vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, còn có dư địa để làm tốt hơn nữa. Nên, chúng ta phải tiếp tục cải cách hành chính tốt hơn và đặc biệt là trách nhiệm của Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp để việc vận dụng, triển khai pháp luật của doanh nghiệp cũng như bộ máy quản lý nhà nước được thực thi một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng liên tục, nhưng vẫn lo lắng thiếu bền vững là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng lên và đóng góp nhiều vào tăng trưởng của Việt Nam. Mặc dù đó là điều rất mừng, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài có đặc điểm ra vào liên tục.

Vì thế, Việt Nam phải tranh thủ tận dụng được nguồn vốn FDI nhất là các dòng vốn có công nghệ cao để lan tỏa và kết nối với doanh nghiệp trong nước. Khi có sự trợ lực từ công nghệ cao giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước nên lúc đó chúng ta mới có thể yên tâm.

Làm sao Chính phủ phải kết nối được vấn đề này, phải kết nối được doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để làm sao chúng ta có thể tận dụng được công nghệ của các nước tiên tiến", ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết thêm: “Tiếp nữa, dân số Việt Nam có 65% sống ở nông thôn, 40% làm nông nghiệp. Thế nhưng, nền nông nghiệp vẫn bấp bênh, được mùa mất giá, rồi lo giải cứu… Vậy, phải làm sao để nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững. Với Việt Nam lợi thế cạnh tranh chính là nông nghiệp, đứng nhất nhì là xuất khẩu tiêu, điều và hàng nông sản. Do đó, nông nghiệp cần được đầu tư hơn nữa về nguồn lực nhất là đầu tư công để giải quyết bài toán này. Có thể triển khai ứng dụng công nghệ cao 4.0 vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Chính phủ phải là đầu tàu hỗ trợ điểm này”.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, để giải quyết bài toán nông nghiệp, một trong những động lực cần giải quyết là giao thông. Giao thông có thuận tiện thì mới giảm chi phí vận chuyển, chi phí trung gian, đồng thời sẽ tăng giá thu mua nông sản, đến khi đó đời sống nông dân mới được cải thiện. Khi giải quyết được vấn đề căn cơ này thì nông nghiệp sẽ phát triển bền vững.