Xu hướng thị trường

Kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19, hạn chế dưới 15% doanh nghiệp phá sản

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Văn phòng Thành ủy và cục Thống kê TP.HCM đã đưa ra tài liệu nghiên cứu, dự báo tình hình dịch Covid-19 và kiến nghị giải pháp phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Được sự cho phép của văn phòng Thành ủy TP.HCM, trung tâm Báo chí TP này đã gửi đến PV Người Đưa Tin Pháp luật bộ tài liệu “Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, ở Việt Nam và các nước ASEAN” do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Theo đó, quan hệ hợp tác quốc tế với 17 nước là đối tác kinh tế và du lịch quan trọng của Việt Nam sẽ có nhiều ảnh hưởng.

Các nước như: Nhật bản, Hàn quốc, Thái lan, Trung Quốc, Đức, Malaysia,… chiếm 80% về thương mại, 90% về đầu tư nước ngoài, 80% về số lượng khách du lịch quốc tế.

Khách du lịch quốc tế sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vì vậy nhu cầu nhập khẩu, khả năng xuất khẩu và khả năng người dân đi du lịch đến Việt Nam ở các nước này giảm mạnh so với năm 2019, chừng nào các nước này chưa trở lại trạng thái bình thường mới và là nước an toàn về dịch Covid-19.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch khẩn trương để phối hợp với từng nước như: Chuẩn bị - khuyến khích phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại 2 chiều và du lịch một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng nước.

Qua phân tích và dự báo, nhiều khả năng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ có nhiều biến động. So với năm 2019, đầu tư nước ngoài giảm khoảng 30%, thương mại quốc tế giảm khoảng 15% và khách du lịch quốc tế giảm khoảng 60%.

Do nhu cầu nhập khẩu của thế giới và các nước nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2020 và đầu năm 2021, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu không thể sử dụng hết năng lực sản xuất đã đầu tư.

Tình trạng tạm ngưng sản xuất, thậm chí đóng cửa sẽ khiến thu nhập của người lao động giảm và một bộ phận lao động không có việc làm.

Khi đó, sức mua của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ cũng giảm, khiến các đơn vị sản xuất và dịch vụ trong nước cũng không thể phục hồi như trước khi có dịch Covid-19.

Như vậy, áp lực hỗ trợ duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp và đảm bảm đời sống tối thiểu cho người lao dộng sẽ lớn, đòi hỏi phả có nguồn chi lớn, trong khi nguồn thu ngân sách lại giảm.

Chính quyền TP.HCM đề xuất giải pháp hỗ trợ duy trì sản xuất trong bối cảnh kinh tế biến động.

Vì thế, TP.HCM kiến nghị với Chính phủ 9 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội 2020 - 2021.

Quan trọng nhất là hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp và người lao động để cuối năm 2020, số doanh nghiệp phải phá sản không quá 15% tổng số doanh nghiệp đã hoạt động tháng 12/2019.

Các giải pháp của Chính phủ và địa phương cần làm rõ nguồn hỗ trợ ở đâu, bao nhiêu, lúc nào.

Đồng thời, phải khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu với lợi thế về nhân lực (chi phí lao động không cao, chất lượng lao động được nâng cao) và công nghệ 4.0 do người Việt Nam tạo ra.

Thêm nữa, cần thay đổi cơ chế quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng để phát huy cao nhất tác dụng của đầu tư công và đầu tư tư nhân, có 1 luật để sửa các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật thuộc 3 lĩnh vực này.