Thế giới

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong tháng 8

Nhiều chỉ số kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng cao hơn kỳ vọng trong tháng 8 nhờ có các biện pháp kích thích của chính phủ.

Trung Quốc đã công bố các chỉ số kinh tế chính của tháng 8 vào ngày 16/9, ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến và duy trì động lực từ tháng 7, sau khi chính phủ quốc gia này sử dụng các biện pháp kích thích để giữ cho nền kinh tế phục hồi ổn định bất chấp những khó khăn do nắng nóng hay dịch bệnh.

Doanh số bán lẻ tháng 8 của Trung Quốc tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức 2,7% trong tháng 7, Tổng Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc cho biết hôm 16/9. Con số này cũng cao hơn kỳ vọng của thị trường là 3,2%.

Sản xuất công nghiệp, một thước đo hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích, đã tăng 4,2% trong tháng 8, cao hơn 0,4% so với hồi tháng 7 và 0,3% so với dự đoán, cho biết.

Đầu tư vào tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức tăng 5,7% 7 tháng đầu năm. Đây là một thước đo chi tiêu cho các hạng mục bao gồm cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc và thiết bị mà năm nay Trung Quốc đã dựa vào để ngăn chặn rủi ro suy thoái.

Tỉ lệ thất nghiệp tháng 8 ở mức 5,3%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 7. Tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 vẫn ở mức cao - 18,7%, giảm so với mức kỷ lục 19,9% trong tháng 7.

Đầu tư vào tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm ở Trung Quốc tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Caixing Global

Biện pháp

“Nền kinh tế (Trung Quốc) đã chống chịu nhiều cơn gió bất ngờ trong tháng 8 và cho thấy sự phục hồi tích cực với sự trợ giúp của nhiều chính sách hỗ trợ bổ sung. Nhu cầu sản xuất đã ổn định và bắt đầu tăng lên, việc làm và giá cả cũng ổn định, hầu hết các chỉ số đều tốt hơn so với tháng trước”, NBS cho biết.

Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp trong nhiều tháng qua. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng tăng lên đáng kể nhằm hỗ trợ các ngành xây dựng và nhà ở.

Hồi tháng 8, ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất đối với các cơ sở cho vay chính lần thứ hai trong năm nay.

Theo Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc, số tiền hoàn thuế tích lũy, cắt giảm thuế và phí cũng như hoãn thuế và phí trong năm nay đã đạt mức 3,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (477,56 tỷ USD) tính đến ngày 31/8.

Về tiêu dùng, các cơ quan chức năng đã và đang tổ chức các cuộc triển lãm tiêu dùng và phát phiếu mua hàng để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trong mùa cao điểm hàng năm vào tháng 9 và tháng 10.

Các chính sách khuyến khích trong lĩnh vực ô tô đặc biệt mạnh mẽ, khiến doanh số bán xe du lịch ở Trung Quốc tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong một thập kỷ - do nhu cầu xe điện tăng vọt.

“Dưới áp lực hiện tại của lạm phát kéo dài ở nước ngoài và dịch bệnh, các dây chuyền công nghiệp của các quốc gia đã bị ảnh hưởng và các đơn đặt hàng có khả năng sẽ quay trở lại Trung Quốc, hỗ trợ thêm cho sự phục hồi kinh tế của quốc gia này”, ông Hu Qimu, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Sinosteel cho biết.

Theo ông Hu Qimu, việc cải thiện tâm lý thị trường là đặc biệt quan trọng vào lúc này. Các cơ quan chức năng nên đưa ra “những tín hiệu và chính sách mạnh mẽ hơn” nhằm củng cố niềm tin của thị trường, ông khuyến nghị.

Thách thức

Mặc dù có dấu hiệu cải thiện, sự phục hồi của nền kinh tế số hai thế giới vẫn còn mong manh khi Covid-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương, và chính phủ phải tăng cường kiểm soát đại dịch. Bên cạnh đó, nhiệt độ quá cao ở một số khu vực cũng buộc Trung Quốc này phải phân bổ điện năng theo vùng và đóng cửa một số nhà máy.

Sự sụt giảm trên thị trường nhà ở cũng không có dấu hiệu giảm bớt. Dữ liệu cho thấy giá nhà ở tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 8.

Một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục suy yếu cho đến cuối năm nay, sau khi tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2022 của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà kinh tế đã từ từ hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 3,5% trong năm nay. Đây sẽ là mức tăng trưởng hàng năm thấp thứ hai trong hơn 4 thập kỷ qua, và thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu “khoảng 5,5%” mà chính phủ nước này công bố vào tháng 3.

Nắng nóng kéo dài buộc Trung Quốc phải đóng cửa một số nhà máy. Ảnh: NBC News

Chiến lược Covid-zero của Bắc Kinh vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi các thành phố lớn như Thành Đô và Thượng Hải bị phong tỏa để ngăn chặn đại dịch bùng phát trong những tháng gần đây.

Trong bản tuyên bố hôm 16/9, NBS lưu ý rằng “môi trường quốc tế vẫn còn phức tạp và khắc nghiệt, trong khi nền kinh tế trong nước đang phục hồi trên nền tảng không ổn định”.

NBS cũng cho rằng “cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các biện pháp kiểm soát của Covid và phát triển kinh tế”. Theo NBS, các nhà chức trách đang “tập trung vào việc mở rộng nhu cầu, ổn định việc làm và giá cả, củng cố nền tảng phục hồi kinh tế, đồng thời giữ cho nền kinh tế hoạt động trong một phạm vi hợp lý”.

Nguyễn Tuyết (Theo Global Times, SCMP, Canada Today)