Kinh tế vĩ mô

Kinh tế số tại Việt Nam vẫn là nền tảng giao dịch có sẵn

Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam vẫn dựa trên các nền tảng có sẵn của thế giới, còn nền tảng phát triển trong nước thì hạn chế.

Phiên Hội thảo chuyên đề 5 trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao diễn ra vào sáng 11/11 với chủ đề “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua, cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ông Phong nhấn mạnh, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP;

Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Ông Nguyễn Thành Phong – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Dẫn báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, ông Phong cho biết, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.

Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33%/năm của cả khu vực tính từ năm 2015 đến nay. Hà Nội và Tp.HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực.

Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin, internet; với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

"Tuy nhiên, kinh tế số phát triển tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới như Facebook, Google, Youtube, Grab, Gojek, Lazada, Shopee...

Những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Thegioididong, Dienmayxanh, FPTshop. Do đó, khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn hay công ty đa quốc gia chưa thực sự cao", ông nói.

Toàn cảnh hội thảo chuyên đề sáng 11/11.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra rằng, mức độ chủ động tham gia phát triển nền tảng kinh doanh tại Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém và có phần tự phát với nhiều nguyên nhân như: Thể chế, chính sách còn nhiều bất cập; Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp.

Hơn thế nữa, đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm…

Những điều này tác động không nhỏ, gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế; thay đổi cả tổ chức đời sống xã hội toàn cầu, thể hiện rõ nét nhất ở xu hướng tiêu dùng hiện đại đòi hỏi phải thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 diễn ra từ ngày 9/11 tới ngày 6/12 Với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”.

Đây là diễn đàn thường niên do Ban Kinh tế trung ương chủ trì với phối hợp chuyên môn bởi các bộ ngành liên quan và  Tập đoàn IEC tổ chức.