Thế giới

Kinh tế Nhật Bản phục hồi, nhưng còn nhiều thách thức

Nhật Bản trong quý II/2022 tăng trưởng 0,5% , tương đương với tốc độ hàng năm là 2,2% nhờ phục hồi tiêu dùng tư nhân sau khi loại bỏ các hạn chế COVID-19.

Ngày 15/08, Chính phủ Nhật Bản công bố báo cáo về nền kinh tế quý II/2022, theo đó, tốc độ tăng trưởng là 0,5% so với quý trước, tương đương với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 2,2%. Điều này có được nhờ phục hồi tiêu dùng tư nhân sau khi loại bỏ các hạn chế COVID-19 vào tháng 3.

Theo báo cáo sơ bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tiêu dùng tư nhân tăng 1,1% trong quý thứ ba liên tiếp khi "nhiều người ăn tối và đi du lịch nhiều hơn" sau khi Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 vào cuối tháng 3. Cùng với đó là loạt chính sách đầu tư phần mềm được thúc đẩy, vốn đầu tư tăng 1,4% trong khi quý trước giảm 0,3%.

GDP thực tế hàng năm trong quý gần nhất đạt tổng cộng 542.000 tỷ Yên (4.100 tỷ USD), vượt quá mức 540.000 tỷ Yên được ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2019 trước khi đại dịch tấn công Nhật Bản.

Đầu tư công cũng tăng 0,9% so với mức giảm 3,2% của quý trước. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 0,9% và 0,7%.

Daishiro Yamagiwa, Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế, cho biết báo cáo GDP sơ bộ cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang dần hồi phục. Ông cho biết: “Chúng tôi muốn đưa nền kinh tế Nhật Bản lên một con đường tăng trưởng cao hơn hướng tới một chu kỳ tăng trưởng bền vững dựa trên nhu cầu của khu vực tư nhân và sự phân bổ của cải".

Bất chấp mức tăng GDP quý thứ ba liên tiếp, một số nhà kinh tế cho biết triển vọng về tăng trưởng kinh tế vẫn chưa rõ ràng do sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 và giá cả cao hơn có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng.

Tiêu dùng tư nhân tăng 1,1% khi Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 vào cuối tháng 3

Những rủi ro tiềm ẩn

Một rủi ro lớn đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là giá cả ngày càng cao hơn đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng do lạm phát toàn cầu và Cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra. Bên cạnh đó Nhật bản đang đối mặt một tiêu cực lớn hơn đó là sự thiếu hụt tài nguyên. 

Đồng Yên Nhật Bản đã suy yếu xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua so với đồng USD. Cụ thể gần đây đồng tiền nước này đang được giao dịch ở mức khoảng 135 Yên so với USD, khiến giá hàng nhập khẩu tương đối cao hơn. Sau khi công bố dữ liệu GDP, đồng USD được giao dịch ở mức khoảng 133 yên.

Về mặt tích cực, đồng Yên suy yếu là một lợi thế cho các nhà xuất khẩu lớn của Nhật Bản như Toyota Motor Corporation bằng cách nâng cao giá trị thu nhập ở nước ngoài khi chuyển sang đồng Yên.

Một số nhà phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ giảm trở lại trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.

Takayuki Toji, nhà kinh tế tại SuMi TRUST, Ngân hàng tín thác lớn nhất tại Nhật, cho biết nền kinh tế Nhật sẽ chậm lại trong quý này do chi tiêu của người tiêu dùng yếu hơn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 bắt đầu gia tăng lại..

Mai Anh (theo AP, The Mainichi)