Thế giới

Kinh tế Mỹ suy giảm trong quý 1/2022, liệu có đáng lo ngại?

Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong 3 tháng đầu năm 2022 mặc dù người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu với tốc độ ổn định.

Tuy nhiên, sự sụt giảm 1,5% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không cho thấy sự bắt đầu suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ.

Sự suy giảm trên một phần là do chênh lệch thương mại lớn hơn, khi quốc gia này chi nhiều hơn cho nhập khẩu so với các nước khác. Chênh lệch thương mại làm giảm GDP quý đầu tiên 3,2%. Cùng với đó việc dự trữ hàng hóa chậm hơn trong các cửa hàng và nhà kho, vốn đã tích lũy hàng tồn kho trong quý trước cho mùa mua sắm nghỉ lễ năm 2021, đã hạ gần 1,1% so với GDP từ tháng 1 đến tháng 3/2022.

Đây là lần sụt giảm GDP đầu tiên kể từ quý 2 năm 2020 - vốn chịu tác động của cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 - và theo sau sự gia tăng mạnh mẽ 6,9% trong 3 tháng cuối năm 2021.

Nước Mỹ vẫn đang chịu áp lực của vấn đề lạm phát cao trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu cùng một số hàng hóa gia tăng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Những yếu tố này làm gia tăng quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào đợt suy thoái. Lạm phát tại Mỹ đã tăng 8,5% trong tháng 3, mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.

Mới đây, trong báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023, lần lượt giảm 0,8% và 0,2% so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao.

IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế Mỹ còn 3,7% trong năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định xung đột đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đã gia tăng tại nhiều quốc gia do mất cân đối nguồn cung và nhu cầu bị ảnh hưởng do đại dịch. Lạm phát cao hơn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài.
"Lạm phát đã trở thành nguy cơ rõ ràng và hiện hữu đối với nhiều quốc gia. Nhiều Ngân hàng Trung ương, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự gián đoạn do xung đột tại Ukraine sẽ càng làm gia tăng áp lực hơn nữa. Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao, buộc các nhà hoạch định chính sách phải có phản ứng mạnh mẽ hơn", ông Pierre Olivier Gourinchas nhận định.

Vào tháng 4/2022, giá tiêu dùng đã tăng 8,3% so với 1 năm trước, ngay dưới mức tăng nhanh nhất trong bốn thập kỷ, được thiết lập 1 tháng trước đó.

Lạm phát cao cũng đang đặt ra áp lực về chính trị đối với Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ khi các cuộc bầu cử giữa kỳ sắp đến gần.

Một cuộc thăm dò trong tháng này của Associated Press-NORC cho thấy xếp hạng phê duyệt của ông Biden đã đạt mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông - với chỉ 39% số người được hỏi thể hiện sự tán thành - khi lạm phát là một yếu tố thường xuyên được đề cập đến.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ nói chung vẫn ổn định, mặc dù có khả năng suy giảm. Chi tiêu tiêu dùng - yếu tố mang tính "trung tâm" của nền kinh tế - vẫn ổn định, khi tăng với tốc độ 3,1% hàng năm trong quý 1/2022. Các nhà phân tích đánh giá nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý 2/2022.

Đầu tư kinh doanh vào thiết bị, phần mềm và các hạng mục khác nhằm cải thiện năng suất đã tăng với tốc độ 6,8% hàng năm trong quý trước. Một thị trường việc làm mạnh mẽ đang mang lại cho người lao động thêm các điều kiện để duy trì chi tiêu.

Các nhà tuyển dụng đã tạo thêm hơn 400.000 việc làm trong 12 tháng liên tục, và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong gần nửa thế kỷ.

Nền kinh tế Mỹ được nhiều người cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý hiện tại. Trong một cuộc khảo sát được công bố trong tháng này, 34 nhà kinh tế nói với Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia rằng kỳ vọng GDP sẽ tăng với tốc độ 2,3% hàng năm trong quý 2/2022 và 2,5% cho cả năm 2022.

Tuy nhiên, dự báo trên thấp hơn rất nhiều so với ước tính tăng trưởng 4,2% cho quý hiện tại trong cuộc khảo sát trước đó của Fed Philadelphia vào tháng 2.

Bên cạnh đó, những bất ổn đáng kể đang che phủ triển vọng của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động thương mại năng lượng, ngũ cốc và các hàng hóa khác, đồng thời khiến giá nhiên liệu, thực phẩm tăng cao đáng kể.

Các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19 của Trung Quốc cũng làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu mạnh tay tăng lãi suất để chống lại mức lạm phát nhanh nhất mà nước này phải gánh chịu kể từ đầu những năm 1980.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)