Giáo dục

Kinh doanh và Quản lý là ngành có tỉ lệ tuyển sinh cao nhất năm 2023

Ngành Khoa học sự sống vẫn tiếp tục có lượng thí sinh theo học thấp mặc dù có nhu cầu tuyển dụng lớn.

Sáng nay (15/3), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tuyển sinh năm 2024 để thông tin về những điểm mới của năm nay.

Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, Bộ đang xây dựng hai phương án về thời gian khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Phương án 1 là sẽ tổ chức thi vào hai ngày là 21,22/6/2024 còn phương án 2 là vào ngày 26,27/6/2024.

Như vậy, ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 có thể sẽ diễn ra sớm hơn so với năm 2023 (năm 2023 thi vào ngày 28,29/6/2023).

Tại đây, đai diện Bộ GD&ĐT đã thông tin những thay đổi trong công tác tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; ngưỡng đảm bảo chất lượng; xét tuyển và lọc ảo; cơ sở dữ liệu; chỉ tiêu tuyển sinh… trong thời gian qua đặc biệt là từ năm 2015 trở lại đây.

Tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp trúng tuyển và nhập học năm 2022 và năm 2023.

Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh và tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học ngày càng tăng qua các năm, cho thấy việc tiếp cận giáo dục đại học, quy mô đào tạo đại học ngày càng mở rộng.

Đối với năm 2023, kết quả tuyển sinh có nhiều điểm đáng chú ý. Theo số liệu tổng kết của Bộ GD&ĐT, trong năm này, cả nước có hơn 1.022.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Trong tổng số hơn 663.000 chỉ tiêu đại học và cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, số thí sinh trúng tuyển đã nhập học có hơn 546.000 thí sinh, đạt trên 82 % chỉ tiêu và đạt trên 53 % trên tổng số thí sinh dự thi.

Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh ở từng trường có những khác biệt. Trong tổng 322 cơ sở đào tạo, chỉ 203 đơn vị có tỷ lệ nhập học đạt từ 80% trở lên.

Ngoài ra, đại diện Bộ GD&ĐT cũng cung cấp số liệu kết quả tuyển sinh theo lĩnh vực trong năm 2023.

Cụ thể, lĩnh vực kinh doanh và quản lý vẫn đứng đầu với 23,57%. Đứng thứ 2 là ngành máy tính và công nghệ thông tin chiếm trên 11%, công nghệ kỹ thuật là 10%, nhân văn trên 8%...

Các lĩnh vực có tỉ lệ thấp nhất gồm: dịch vụ xã hội, thú y, toán và thống kê, khoa học tự nhiên, khoa học sự sống…

Kinh doanh và quản lý vẫn là ngành được nhiều sự quan tâm.

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã điểm lại những việc làm được trong 9 năm đổi mới tuyển sinh từ năm 2015 đến nay.

Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn này, công tác tuyển sinh ngày càng ổn định và tốt hơn, thể hiện qua 4 điểm chính.

Kết quả tuyển sinh tăng trưởng ổn định và bền vững, thể hiện bằng kết quả tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo. Kết quả này được nhìn nhận bằng số lượng tuyển sinh được, tỉ lệ nhập học của thí sinh.

Sự tăng trưởng này cũng phản ánh được chất lượng của giáo dục đại học; phần nào cho thấy xã hội, người dân tin tưởng vào chất lượng đại học, đồng thời cũng cho thấy nhu cầu của thị trường nhân lực ngày càng tăng.

Công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi và hiệu quả. Trong 9 năm qua, công tác này có nhiều sự điều chỉnh qua các năm, có năm điều chỉnh lớn, có năm điều chỉnh ở mức độ nhỏ. Những điều chỉnh này mang lại sự hiệu quả, thuận lợi hơn cho thí sinh, cơ sở đào tạo và công tác quản lý Nhà nước.

Việc tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch. Mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đề án, phương thức của nhà trường đều phải công khai, minh bạch với xã hội, người học qua các hệ thống, phần mềm…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Có thể thấy công tác tuyển sinh cũng cho thấy tinh thần hợp tác. Đó là sự hợp tác của các trường trong các khâu tuyển sinh như lọc ảo, xét tuyển chung. Ngoài sự hợp tác còn là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Các trường tuyển sinh mạnh, thu hút được nhiều người học. Trong khi đó, các trường tuyển sinh kém sẽ phải điều chỉnh, cải tiến để tốt hơn.

Cùng với đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác tuyển sinh giai đoạn từ 2015 đến nay.

Dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển.

Trước nội dung này, Thứ trưởng đánh giá việc đa dạng trong phương thức tuyển sinh là tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh.

Mặc dù công khai, minh bạch tuyển sinh, song hiện tại chưa có có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vì vậy, các trường cần phải phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh.

Ngoài ra, vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu.

Tuyển sinh năm 2024 cơ bản giữ ổn định như các năm trước (Ảnh: Hữu Thắng).

Ông Hoàng Minh Sơn bày tỏ nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu ở mức độ lớn chứ không dừng lại ở một vài phần trăm. Nếu tiếp tục xảy ra hiện tượng này, các trường không thể giữ được niềm tin, sự tin tưởng của xã hội và người học.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Năm 2024, công tác tuyển sinh tiếp tục duy trì sự ổn định, phát huy kết quả đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”.

Thứ trưởng giao Vụ Giáo dục Đại học hoàn thiện Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024; các trường cũng đưa ra các kế hoạch tuyển sinh.

Đặc biệt yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi những năm trước.

Công tác truyền thông, tư vấn cho thí sinh cũng cần được tăng cường để giúp các em chọn đúng ngành, nghề, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tăng cường.