Xu hướng thị trường

Kinh doanh tuần hoàn giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường

Mô hình kinh doanh tuần hoàn được coi là một giải pháp quan trọng giúp thực hiện mục tiêu phát triển bền bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu,.

Trong khuôn khổ hợp tác với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, sáng 19/8, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Carsten Baltzer Rode, Đại biện lâm thời Đan Mạch tại Việt Nam và các chuyên gia đến từ các lĩnh vực liên quan.

Hội thảo công bố Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương bày tỏ sự trăn trở làm sao để các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể được áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta có các cam kết về chiến lược về tăng trưởng xanh. 

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong chiến lược tăng trưởng xanh, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Một trong số đó là làm sao để cộng đồng các doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ trong mô hình kinh doanh. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đổi mới sáng tạo, sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. 

   Ông Nguyễn Hoa Cương công bố sách "Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại     Việt Nam"

Ông Carsten Baltzer Rode, Đại biện lâm thời Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh rằng kinh doanh tuần hoàn là mô hình giúp sử dụng ít tài nguyên hơn và tăng cường tận dụng chất thải. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm về hướng tìm ra các giải pháp giúp giảm nguyên liệu thô, hướng tới phát triển bền vững với lượng phát thải ròng bằng không.

“Với vị thế là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng chiến lược về kinh doanh tuần hoàn, Đan Mạch rất hân hạnh được hỗ trợ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và các doanh nghiệp Việt Nam trong tìm ra chiến lược về tuần hoàn”, ông Carsten Baltzer Rode chia sẻ thêm.

Trình bày nghiên cứu về mô hình kinh doanh tuần hoàn, ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy sự cần thiết phải phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh doanh trong nền kinh tế. Đó là đóng góp cho sự phát triển bền vững, giải quyết được các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên.

“Mặc dù kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện từ rất sớm nhưng kinh doanh trong kinh tế tuần hoàn mới xuất hiện từ năm 2015 trở lại đây”, ông Chiều bày tỏ. Việt Nam dù đã có sự xuất hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn nhưng hiện vẫn ở mức thấp và tự phát. Trong tương lai mô hình này cần được nhân rộng, sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cam kết COP26 và biến đổi khí hậu.

Cần thiết phải phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn.

Theo khảo sát trong báo cáo, đặc trưng chủ yếu của kinh tế, kinh doanh tuần hoàn chính là duy trì liên tục nhiên liệu, vật liệu và sản phẩm với vị trí hữu ích, sử dụng chất thải để tạo ra các nguồn nhiên liệu mới. Đây chính là mô hình đảm bảo cho sự phát triển bền vững với vai trò khuyến khích các công ty giới thiệu về công nghệ đột phá cho các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt cho công nghệ tái chế. Đồng thời giúp tạo ra các sản phẩm có chức năng hữu dụng hơn, chi phí thấp hơn.

Đề cập đến vấn đề rào cản đối với phát triển kinh doanh tuần hoàn, báo cáo đã đề cập 13 yếu tố chính, trong đó, thiếu nguồn lực về tài chính, khung phạt luật chưa đầy đủ là 2 nội dung gây lên những khó khăn rất lớn trong việc áp dụng mô hình này.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh những khó khăn chung thì vấn đề lợi ích khi áp dụng kinh doanh tuần hoàn cũng đem lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Cụ thể do chi phí đầu tư cao, rủi ro cũng như lợi nhuận ban đầu khi thực hiện mô hình. 

Báo cáo cũng đưa ra các kiến nghị giúp giải quyết các rào cản trên, theo đó, cần phải hoàn thiện đồng bộ và đầy đủ khung pháp luật về chính sách liên quan đến kinh doanh tuần hoàn nhằm đưa ra các chính sách rõ ràng để khuyến khích, hỗ trợ phát triển; cụ thể hóa các mục tiêu về kinh doanh tuần hoàn trong các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. 

Các giải pháp cần được nghiên cứu, thực hiện hiệu quả thông qua việc xây dựng các quy định, chính sách dựa trên các quy định hiện có. Song song với đó, cần tăng cường sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước về vấn đề nguồn lực và hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam trong áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn.   

Phương Anh - Hồng Nhung