Tiêu dùng & Dư luận

Kinh doanh tích cực, ngành bia rượu vẫn đề xuất lùi thời hạn tăng thuế

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia là một đòi hỏi thực tiễn của xã hội để giảm mức tiêu thụ của rượu bia cũng như giảm tác hại trong sức khỏe, đời sống.

Tín hiệu phục hồi

Sau 2 năm chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngay trong nửa đầu năm 2022, ngành bia đã lấy lại được đà tăng trưởng với những bước nhảy vọt.

Ngày 5/7 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", nhằm thảo luận giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, đánh giá lại, chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

Tuy nhiên, thực tế kết quả kinh doanh của các công ty cho thấy sức tăng trưởng về doanh thu, thậm chí Sabeco còn báo lãi lớn kỷ lục trong 10 năm. 

Với Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; HoSE: SAB), năm 2022 là năm bùng nổ của công ty với mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2013.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 34.979 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Chi tiết về cơ cấu doanh thu, Sabeco ghi nhận 30.600 tỷ đồng từ bán bia, chiếm phần lớn doanh thu với 86%.

Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021, cũng là năm Sabeco đạt lợi nhuận cao nhất từ năm 2013. Tính trung bình, mỗi ngày ông lớn ngành bia lãi tới 15 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ, Sabeco đang có thị phần sản xuất bia lớn tại Việt Nam với hơn 40%, phân phối không chỉ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu trên 20 quốc gia trên thế giới.

Cũng đón nhận những tín hiệu tích cực, năm 2022 là năm kinh doanh thành công của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN). 

Theo đó, Habeco ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 8.400 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Dù doanh thu hoạt động tài chính trong năm tăng 17% lên 145 tỷ đồng, nhưng chi phí hoạt động tài chính ghi nhận mức giảm 28% xuống còn gần 10,5 tỷ đồng. 

Tính đến hết năm 2022 lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt gần 527 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, năm 2022, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng. Như vậy, Habeco đã hoàn thành vượt 27% mục tiêu doanh thu và vượt 138% kế hoạch lợi nhuận. 

Bước sang Quý I - năm 2023, doanh thu của Sabeco đạt 6.213 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ bán bia vẫn chiếm đa phần với khoảng 90%. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn dao động trong khoảng 30%. Kết thúc quý đầu năm 2023, Sabeco ghi nhận hơn 1.004 tỷ đồng lợi nhuận.

Đối với Habeco, đơn vị này trong quý đầu năm 2023 doanh thu thuần trong đạt 1.172 tỷ đồng.

Tổng quan chung, dù có những khó khăn trong quý I/2023 nhưng bức tranh tài chính của các doanh nghiệp lớn ngành bia đã có những cải thiện tích cực, đặc biệt đối với Sabeco. Đây cũng là tín hiệu phục hồi đáng mừng của toàn ngành sau đại dịch Covid-19.

Đã đủ điều kiện để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng với mục đích điều chỉnh hoạt động sử dụng những loại hàng hóa mà Nhà nước không khuyến khích và có thể gây hại cho sức khỏe cũng như đời sống của người dân”.

Chính vì vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh của một mặt hàng nào đó. 

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh.

Đối với rượu bia, giá rượu bia tại Việt Nam đang tương đối thấp so với giá rượu bia của các quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời, trong thời gian vừa qua, tiêu thụ rượu bia tăng lên đáng kể ở Việt Nam, gây ra những tác hại đã được nhìn thấy rõ ràng.

Vì vậy, theo ông Thịnh, không chỉ Nhà nước mà các tổ chức quốc tế đều mong muốn Chính phủ Việt Nam có sự tăng thuế suất đối với rượu bia. Như vậy có thể thấy đây là một đòi hỏi thực tiễn của xã hội để giảm mức tiêu thụ của rượu bia cũng như giảm tác hại trong đời sống của nhân dân bởi rượu bia.

Từ đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nằm ở việc điều chỉnh tăng thuế ở mức độ nào. Những dự định về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia đã được đưa ra trong khoảng 10 năm trước đây, tuy nhiên đã hoãn lại vì một số kiến nghị của các doanh nghiệp.

“Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng chúng ta đã có đầy đủ điều kiện và nên tăng thuế với rượu bia theo đề xuất mà Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang đề ra”, ông Thịnh nói.

Còn với ý kiến của ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chính sách, pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phải đóng vai trò là công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dần phục hồi sản xuất kinh doanh để tạo sự phát triển bền vững lâu dài. 

Các phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt khi xem xét, sửa đổi cần được cân nhắc, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng ưu, nhược để áp dụng cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Bộ Y tế chỉ ra tiêu dùng rượu bia đang gia tăng ở mức báo động và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế và xã hội (Ảnh: Hữu Thắng).

Từ đó, chuyên gia Phụng đưa ra khuyến nghị cần điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người.

Ông Phụng cho rằng: “Nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỉ lệ phần trăm ở mức vừa phải và có lộ trình có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách”.

Đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.

Thúc đẩy và trình sớm việc sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng hiện nay sức khỏe là điều quan trọng nhất, đã có Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm… vấn đề rượu bia hiện đã có Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, tác hại của rượu, bia đã rõ nhưng việc thực thi luật chưa được nghiêm minh.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có, nhưng cũng không thấm vào đâu khi các quán bia, quán rượu vẫn khách vào ra tấp nập.

“Cho nên, tôi rất ủng hộ việc thúc đẩy và trình sớm việc sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, sớm ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hiện nay”, ông An nhấn mạnh. 

Trước đó, ngày 19/4/2023, Bộ Y tế đã có công văn số 2275 gửi Bộ Tài chính cho ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, đối với mặt hàng rượu, bia Bộ Y tế đề nghị cập nhật các số liệu về sự cần thiết điều chỉnh thuế suất với mặt hàng rượu, bia.

Bộ Y tế chỉ ra tiêu dùng rượu bia đang gia tăng ở mức báo động và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế và xã hội.

Bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10…

Thêm vào đó, giá rượu, bia hiện rất rẻ và sức mua gia tăng mạnh, theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ trọng thuế trên giá bán lẻ rượu, bia ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi đó, ở nhiều nước thuế rượu, bia chiếm khoảng 40% - 85% giá bán lẻ.

Sức mua rượu, bia của người Việt Nam tăng nhanh do thu nhập tăng nhanh trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm. Chi tiêu bình quân đầu người cho rượu bia ở Việt Nam đã tăng gấp 6 lần từ 2002 đến 2016.

Mức điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu bia theo Luật số 70/2014/QH13 ban hành ngày 26/11/2014 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia.

Cũng theo Bộ Y tế, Việt Nam cần tăng thuế nhằm giảm tiêu dùng rượu, bia, giảm tiếp cận với rượu, bia của thanh thiếu niên và người nghèo vì đây là các đối tượng dễ bị tổn thương và cũng gánh chịu hậu quả nghiêm trọng hơn từ tác hại của rượu, bia.

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra.

Phương Anh - Hoàng Bích