Đối thoại

Kinh doanh liêm chính để vươn tầm quốc tế

Xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, hướng tới phát triển bền vững của Nhà nước, cũng như doanh nghiệp.

Ngày 6/4, VCCI phối hợp UNDP tổ chức Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022 và dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam.

Doanh nghiệp tư nhân cũng có thể có tham nhũng

Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận định, phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện đang là công cuộc khó khăn, phức tạp.

Liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp, ông Khanh cho biết, đa số các vụ tham nhũng lớn, được dư luận quan tâm trong thời gian qua liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ

Theo đó, tham nhũng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp vừa là nạn nhân của tham nhũng, nhưng cũng không ít doanh nghiệp tiếp tay cho tham nhũng. 

Về vấn đề này, LS. Hoàng Minh Đức, công ty Luật Duance Morris cho biết, Bộ luật Hình sự trước đây, thì hành vi tham nhũng gần như chỉ xuất hiện liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước, hoặc các công chức, cá nhân thuộc Nhà nước.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, khi ban hành Bộ luật Hình sự mới, phạm vi của những quy định phòng chống tham nhũng đã được mở rất rộng, không chỉ còn dừng lại ở khối công mà vươn sang cả khối doanh nghiệp tư nhân với nhóm 4 tội: tội tham ô, tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ, tội môi giới hối lộ.

Đại diện phía Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước nói chung.

“Qua đó, mong muốn doanh nghiệp tăng cường sự tham gia của mình, cố gắng thúc đẩy liêm chính kinh doanh, xây dựng văn hoá kinh doanh và kiểm soát nội bộ”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra bày tỏ.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần rà soát và đưa ra những khuyến nghị hoàn thiện chính sách về phòng chống tham nhũng để doanh nghiệp tuân thủ đáp ứng những tiêu chí chung theo tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế.

Kim chỉ nam để hoà nhập toàn cầu

Từ câu chuyện doanh nghiệp của chính mình, ông Nguyễn Lê Kha, Giám đốc Công ty CP Đầu tư tài chính Sigma, Chủ tịch CLB Doanh nhân IPO Sihub chia sẻ, “Hãy cho tinh thần doanh nhân liêm chính” để các doanh nghiệp lấy đó làm “kim chỉ nam” hòa nhập với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Theo ông Kha, có rất nhiều lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện kinh doanh liêm chính, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tiến hành IPO, cụ thể là sự minh bạch trong các hoạt động xây dựng báo cáo tài chính, kế toán và kiểm toán.

Việc cung cấp các tài liệu tài chính minh bạch khi IPO sẽ góp phần làm tăng giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó tạo hiệu quả trong việc gọi vốn, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thể vươn tầm ra các thị trường quốc tế.

Thêm vào đó, ông Kha cũng lưu ý đến thực hiện liêm chính như một phần giá trị nội sinh của doanh nghiệp. Giá trị nội sinh là văn hóa và truyền thống của doanh nghiệp. 

Việc cung cấp các tài liệu tài chính minh bạch khi IPO sẽ góp phần làm tăng giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã xây dựng thương hiệu qua nhiều đời nhờ tinh thần kinh doanh liêm chính được duy trì và thực hiện xuyên suốt qua nhiều thế hệ.

Tính liêm chính cần thiết cho từng con người, từng cá nhân trong doanh nghiệp để tạo nên giá trị hùng mạnh. Khi kinh doanh liêm chính, doanh nghiệp mới tạo được sự minh bạch cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng, tác động đến các quyết định đầu tư, mua bán của các nhà đầu tư không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Khi cộng đồng doanh nghiệp thực hiện kinh doanh liêm chính, thì mới có thể tạo nên giá trị thương hiệu cho quốc gia. 

“Quan trọng nhất là tinh thần doanh nhân liêm chính cần được duy trì và thực hiện từng ngày và được nuôi dưỡng trong từng con người Việt Nam”, ông Kha nhấn mạnh.

Kinh doanh liêm chính không khó, doanh nghiệp đầu tư cũng không quá nhiều chi phí cho việc này, quan trọng là tinh thần nghiêm túc, trước tiên là tuân thủ tốt pháp luật; sau đó có thể áp dụng các bộ quy tắc ứng xử nội bộ để quản lý, tôn trọng khách hàng, giữ cam kết, giữ lời hứa, minh bạch, chính trực và thực hiện nhất quán các cam kết với các bên liên quan.

Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp cũng phải không máy móc, dập khuôn theo một mô hình nhất định, mà có thể linh hoạt áp dụng các bộ quy tắc về vấn đề này một cách linh hoạt phù hợp.