Tài chính - Ngân hàng

Kinh doanh khẩu trang sẽ lãi "khủng", doanh thu vượt 21,2 tỷ USD

Doanh thu của ngành kinh doanh khẩu trang ước tính sẽ vượt mốc 21,2 tỷ USD vào năm 2026. Trong đó, riêng thị trường khẩu trang y tế N95 dự kiến đạt mốc 1,1 tỷ USD vào năm 2025.

Doanh thu vượt mốc 21,2 tỷ USD vào năm 2026?

Theo thống kê của Global Newswire, quy mô ngành công nghiệp khẩu trang toàn cầu tính đến năm 2020 được ghi nhận ở mức hơn 4,5 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép 24,2%. Doanh thu của ngành này ước tính vượt 21,2 tỷ USD vào năm 2026.

Khẩu trang hiện là mặt hàng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế và công nghiệp. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang chiếm thị phần tiêu thụ lớn trong ngành sản xuất khẩu trang khi dịch Covid-19 bùng nổ, đẩy nhu cầu tăng vọt.

Nhiều quốc gia châu Âu phàn nàn về chất lượng của khẩu trang và thiết bị y tế Trung Quốc.

Trong đó, quy mô của thị trường khẩu trang y tế N95 dự kiến đạt mốc 1,1 tỷ USD vào năm 2025. Đây được xem là công cụ thiết yếu trong việc bảo vệ người đeo khỏi vi khuẩn và các giọt bắn có hại, với hiệu quả ngăn chặn lên tới 95%.

Business Wire dự đoán doanh thu của thị trường khẩu trang phẫu thuật toàn cầu dự kiến ​​tăng thêm 2,41 tỷ USD do sự bùng phát của dịch Covid-19.

Trung Quốc hiện được xem là đại lý sản xuất khẩu trang thế giới khi nhiều nước phương Tây và Mỹ đang thiếu hụt khẩu trang. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, kể từ ngày 1/3, nước này đã xuất khẩu 3,86 tỷ chiếc khẩu trang tới hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới.

Ước tính tổng doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa y tế của Trung Quốc trong thời gian qua lên đến 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều quốc gia châu Âu đã lên tiếng phàn nàn về chất lượng của khẩu trang và thiết bị y tế Trung Quốc.

Và hành động của doanh nghiệp Việt

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính trong tháng 3/2020, xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 19,4% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2020 ước đạt 6,49 tỷ USD, giảm 8,9% so cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 4, tháng 5. Doanh thu thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng nếu dịch kết thúc vào tháng 5.

Đây là những con số tiêu cực chưa từng có mà Covid-19 đang gây ra cho ngành dệt may.

Vậy nhưng “biến nguy thành cơ”, trước tình hình mặt hàng khẩu trang liên tục cháy hàng, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sản xuất và phải tối đa hoá công suất. 

Các công xưởng sản xuất khẩu trang hoạt động hết công suất.

Nhiều doanh nghiệp tận dụng nguồn lực sẵn có để bắt tay vào việc may khẩu trang: từ chất liệu khẩu trang y tế đến vải sợi kháng khuẩn, vải giọt bắn và cả từ chất liệu bã cà phê.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các doanh nghiệp trong hệ thống đã chuyển đổi sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn để sản xuất, cung ứng hàng trăm nghìn khẩu trang ngay thời điểm phát sinh dịch vào tháng 2/2020. 

Trong khi đó, Tổng công ty May 10 cũng nhập cuộc với 8 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế có công suất lên đến 900.000 chiếc/ngày, tương đương 27 triệu khẩu trang y tế/tháng. Dự kiến, ngày 20/4, sau khi hoàn tất thủ tục cấp phép, dây chuyền này sẽ bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên.

Video: Doanh nghiệp tăng ca sản xuất khẩu trang cho thị trường

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho biết: “Hiện đã có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020). Đồng thời, một đối tác khác của Mỹ cũng đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần, một đối tác Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế”.

Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố.

Trước hết, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.

Thứ hai, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.

Thứ ba, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, song khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

“Chính vì vậy, các DN dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này. Tuy nhiên, để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu lưu ý.

Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần chú ý, thị trường các nước phát triển thường yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các DN cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Lê Lan (Tổng hợp)