Thế giới

Kiev biến thành một “pháo đài”

Trong khi giao tranh diễn ra ác liệt xung quanh thủ đô Kiev của Ukraine, ở khía cạnh kinh tế, các bên cũng đều tìm cách “thích nghi” với tình hình mới.

Gần một nửa số cư dân của thủ đô đã phải bỏ chạy và thủ đô của Ukraine đã biến thành một “pháo đài”, DW dẫn lời Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết.

"Khoảng gần 2 triệu người đã rời đi. Tuy nhiên, Kiev đã được biến thành một pháo đài. Mọi đường phố, mọi tòa nhà, mọi trạm kiểm soát đều được củng cố", ông Klitschko cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Theo Thị trưởng Kiev, một số người dân đã tình nguyện khoác lên mình đồng phục quân sự và cầm trong tay súng máy để chiến đấu.

Thị trưởng Klitschko - nhà cựu vô địch quyền anh - cho biết thành phố quyết tâm không gục ngã trước thế tiến công của quân Nga. Quân đội Nga đã đánh chiếm vùng ngoại ô ở phía Bắc và Tây Bắc thành phố. Dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công từ phía Đông Bắc.

Một chiếc xe tăng Nga được nhìn thấy sau trận chiến trên con đường chính gần thành phố Brovary thuộc vùng Kiev, Ukraine. Ảnh: Felipe Dana/AP

Theo Al Jazeera, lực lượng Ukraine đã phá hủy một phần đoàn xe bọc thép dài 64 km của Nga đang tiến rất gần đến Kiev.

“Có vẻ như đó là các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng họ cũng đang nói về một cuộc phục kích”, phóng viên Step Vaessen của Al Jazeera đưa tin từ thủ đô Kiev.

Một số binh sĩ Ukraine được cho là thiệt mạng trong cuộc giao tranh diễn ra gần Brovary, ngoại ô phía Đông Kiev, theo Al Jazeera.

Phóng viên của Al Jazeera cũng cho biết, phần đầu của đoàn quân xa Nga đã chịu công kích, dường như khiến thế tiến của đoàn xe khổng lồ này bị đình trệ.

Ukraine công bố ước tính thiệt hại do chiến tranh

Các lực lượng Nga cho đến nay đã phá hủy ít nhất 100 tỷ USD cơ sở hạ tầng, các tòa nhà và các tài sản vật chất khác ở Ukraine, ông Oleg Ustenko, Cố vấn Kinh tế trưởng của Tổng thống Ukraine, cho biết.

Chiến tranh đã khiến 50% doanh nghiệp Ukraine phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi nửa còn lại hoạt động dưới công suất của họ, ông Ustenko cho biết trong một sự kiện trực tuyến do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức, theo Al Jazeera.

Một cơ sở quân sự của Ukraine bị hư hại sau cuộc pháo kích của Nga bên ngoài Mariupol, Ukraine, hôm 3/3/2022. Ảnh: YNet News

Nền kinh tế Nga tìm cách thích nghi với các lệnh trừng phạt

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/3 cho biết, Nga sẽ tìm cách "thích nghi" với các lệnh trừng phạt quốc tế và sự rút lui ồ ạt của các tập đoàn phương Tây để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine, theo DW.

“Chúng ta phải vượt qua giai đoạn này và khẳng định rằng các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ sẽ khiến Nga trở nên mạnh mẽ hơn. Không có gì phải nghi ngờ, nền kinh tế sẽ thích ứng với tình hình mới. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng độc lập, tự cường và chủ quyền của chúng ta", ông Putin tuyên bố.

Khi hàng hóa và dịch vụ của phương Tây bị cắt đứt khỏi Nga và tình trạng thiếu hụt xuất hiện, ông Putin đã cố gắng trấn an người Nga rằng Điện Kremlin đã đặt mọi thứ trong tầm kiểm soát.

"Rõ ràng là trong những thời điểm như vậy nhu cầu của mọi người đối với một số loại hàng hóa luôn tăng lên, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ giải quyết những vấn đề này một cách bình tĩnh và dần dần mọi người sẽ tìm ra hướng đi", ông Putin nói.

Phát biểu trước một hội nghị chính phủ trên truyền hình, ông Putin cho biết, trên thực tế, các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho phương Tây nhiều hơn Nga.

"Giá cả của phía họ đang tăng, nhưng đó không phải là lỗi của chúng ta. Đó là kết quả của những tính toán sai lầm của chính họ. Họ không thể đổ lỗi cho chúng ta", Tổng thống Putin nói. "Họ đang yêu cầu công dân của họ thắt lưng buộc bụng, ăn mặc ấm hơn", ông Putin nói, đồng thời cho biết thêm rằng Nga đang tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu.

Nhiều nước châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga. Mỹ và Anh trong tuần này cho biết, họ sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu của Nga. EU đang tìm cách “cai nghiện” năng lượng của Nga.

Danh sách 10 quốc gia sản xuất nhiều dầu nhất trên thế giới, chiếm 72% sản lượng toàn cầu. Nguồn: Al Jazeera

Trước đó, Reuters đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/3 thừa nhận nền kinh tế Nga đang trải qua một cú sốc, đồng thời cho biết thêm rằng các biện pháp đang được thực hiện để giảm bớt tác động của cuộc chiến kinh tế " chưa từng có tiền lệ" giữa phương Tây và Nga.

"Đây là điều hoàn toàn chưa từng có tiền lệ. Cuộc chiến kinh tế bắt đầu chống lại đất nước chúng ta chưa từng diễn ra trước đây. Vì vậy, rất khó để dự báo trước điều gì", ông Peskov cho biết.

Nga cấm xuất khẩu một số mặt hàng

Nga đã cấm xuất khẩu hơn 200 loại sản phẩm và thiết bị cho đến cuối năm nay, theo DW.

"Danh sách bao gồm thiết bị công nghệ, truyền thông và y tế, xe cộ, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện, tổng cộng hơn 200 loại hàng hóa", một chỉ thị do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký cho biết.

Các nước trong Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu này.

Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng cấm xuất khẩu lâm sản và các sản phẩm gỗ sang các quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với họ vì cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng cộng, 48 quốc gia bị ảnh hưởng bởi hạn chế này, bao gồm các quốc gia EU và Mỹ.

EU tìm cách giảm phụ thuộc vào Nga về năng lượng

Theo Al Jazeera, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang có mặt tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày ở Versailles, Pháp, dự kiến sẽ đồng ý với việc loại bỏ dần dầu, khí đốt và than đá của Nga, mặc dù vẫn còn những ý kiến trái chiều về việc có nên giới hạn giá khí đốt và có trừng phạt nhập khẩu dầu hay không.

Các nhà lãnh đạo EU gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Versailles, khai mạc ngày 10.3.2022, tập trung vào xung đột Ukraine. Ảnh: DW

Tuy nhiên, không có thời hạn nào được đặt ra cho lộ trình loại bỏ dần này, theo một dự thảo tuyên bố của EU.

Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine đã dẫn đến việc EU hôm 8/3 công bố kế hoạch giảm sử dụng khí đốt từ nhà cung cấp hàng đầu của châu Âu trong năm nay và chấm dứt nó trong vòng một thập kỷ.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, DW, Reuters)