Cộng đồng mạng

Kiệt tác nghệ thuật từ “kẻ trộm hoa” ẩn náu trong nghĩa trang liệt sĩ

Nhân viên của sảnh Tưởng niệm Canberra (Úc) không khỏi thắc mắc khi những bông hoa anh túc cắm trên bia của các liệt sĩ vô danh bỗng dưng “không cánh mà bay”, đến khi phát hiện thủ phạm thì lại vô cùng ngỡ ngàng.

Tại một số quốc gia trên thế giới, ngày 11/11 hàng năm được coi là ngày Tưởng niệm liệt sĩ. Vào thời gian này, người dân sẽ đến thăm các nghĩa trang liệt sĩ, cài lên bia mộ những bông hoa anh túc đỏ được làm bằng giấy nhằm thể hiện sự tôn kính với những người lính đã ngã xuống trong chiến trận.

Hoa anh túc đỏ được cài lên bia liệt sĩ tại Sảnh tưởng niệm Canberra. 

Tuần lễ tưởng niệm năm nay ở Nghĩa trang liệt sĩ Canberra (Úc) đã diễn ra một sự việc vô cùng đặc biệt. Theo đó, những ngày gần đây, các nhân viên của nghĩa trang phát hiện rất nhiều bông hoa trên bia bỗng dưng biến mất. Những nhân viên này cho rằng ai đó đã cố tình lấy hoa từ các ngôi mộ thay vì do tác nhân tự nhiên.

Những bông hoa bằng giấy thực sự chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, không hề có giá trị về mặt vật chất, vậy nên kẻ trộm hoa chắc hẳn phải có ý đồ rất đặc biệt.

Và đến khi lượng hoa mất ngày một nhiều, người ta phát hiện một điều kỳ lạ trên khung cửa sổ của nghĩa trang. Những bông hoa bị đánh cắp được xếp chồng lên nhau trên lề của khung cửa kính đầy màu sắc. Thủ phạm không ai khác là một chú bồ câu không tên cư ngụ trong nghĩa trang.

Điều đặc biệt trên khung cửa kính (ảnh: Canberra Times).

Chẳng ai biết con bồ câu đến từ đâu, các nhân viên nghĩa trang cho biết rằng họ không hề nuôi con bồ câu này và cũng không biết nó làm tổ ở đây từ bao giờ. Nhiều người khi hay tin đã thể hiện thái độ phản đối, cho rằng chú bồ câu phá phách đang vi phạm đến sự tôn nghiêm của nghĩa trang.

Thủ phạm là một chú chim bồ câu (ảnh: The Indepentdent).

Tuy nhiên số người khác lại cho rằng chiếc tổ làm bằng hoa anh túc của chú chim là một kiệt tác nghệ thuật. Chùm hoa đỏ rực thực sự hài hòa với những ô cửa đầy màu sắc và kiến trúc cổ điển của nghĩa trang.

Nhiều người cho rằng tổ chim trông như một kiệt tác nghệ thuật (ảnh: The Indepentdent).

Hoa anh túc đỏ tượng trưng cho sự hy sinh của các chiến sĩ, khi kết lại với nhau thể hiện sự đồng lòng và đoàn kết giữa con người và thiên nhiên.

Trong thời chiến, bồ câu luôn được coi là đồng minh đáng tin cậy của con người. Loài chim này được sử dụng để truyền tin vào thời điểm công nghệ liên lạc còn hạn chế. Loài chim giúp chúng ta thực hiện những nhiệm vụ khó khăn mà đôi khi con người không thể làm được.

Bồ câu được sử dụng trong thời chiến.

Trong Thế chiến II, có hơn 32 con chim bồ câu đã nhận được Huân chương PDSA Dickin dành cho những động vật can đảm và tận tụy với nhiệm vụ.

Riêng đối với chú chim bồ câu tại Sảnh tưởng niệm Canberra, các nhân viên cho biết sẽ tiếp tục để con chim tự do lấy hoa tại các ngôi mộ và sẽ thu hồi số hoa đó khi con chim không dùng nữa.

Nguyễn Quỳnh