Sự kiện

“Kiên quyết không để bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở Hải Dương”

Đó là khẳng định của BS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng cục quản lý Khám chữa bệnh trong buổi giao ban trực tuyến với bệnh viện, TT Y tế ở Hải Dương chiều 6/2.

Không để bệnh nhân tử vong do Covid

Kết nối với hệ thống y tế trên toàn tỉnh Hải Dương chiều 6/2, Th.S BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) chia sẻ: “Điều may mắn lớn nhất với Hải Dương là số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền, bệnh mãn tính chiếm số lượng không nhiều. Do đó, chúng ta cần phải tích cực điều trị với mục tiêu quyết tâm không có bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại tỉnh này.

Ông Phạm Hữu Thanh – Phó Giám đốc sở Y tế Hải Dương cho hay, vấn đề khó khăn nhất của địa phương hiện nay là bố trí nhân lực tại các cơ sở y tế khi toàn tỉnh Hải Dương đã có 7/12 huyện, thị xã, thành phố có bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Th.S BS Nguyễn Trọng Khoa (áo đen) đang trực tiếp kiểm tra số liệu liên quan đến các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại các cơ sở y tế.

Về việc này, ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, để tiết kiệm nhân lực Hải Dương cần điều trị tập trung các bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến đã được thành lập, tránh tình trạng phân tán.

“Khi điều trị như vậy không chỉ vấn đề nhân lực được giải quyết mà chúng ta cũng tiết kiệm được trang thiết bị trước cuộc chiến còn lâu dài, nhiều tình huống phức tạp”, Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nói.

Bảo vệ bệnh nhân yếu thế, bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Trong phiên làm việc, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa cũng nhấn mạnh việc các bệnh nhân yếu thế, bệnh nhân có bệnh mãn tính, bệnh nhân chạy thận nhân tạo là những bệnh nhân cần phải đặc biệt quan tâm. “Đây là một trong những phòng tuyến trọng yếu cho quá việc chống dịch Covid-19. Bài học từ Đà Nẵng đã chỉ rõ những khó khăn, phức tạp khi điều trị cho những ca bệnh mắc Covid-19 có bệnh nền. Do đó, toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn Hải Dương cần phải đặc biệt chú ý bảo vệ tốt các đối tượng này trước Covid-19”, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nói.

Tính đến thời điểm hiện nay, Hải Dương có đến 557 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại 6 cơ sở điều trị. Tại buổi giao ban trực tuyến, các đơn vị y tế cũng đã chủ động nêu rõ các thắc mắc từ vấn đề tổ chức phòng điều trị, ca điều trị đến bố trí máy móc, nhân lực dành cho bệnh nhân chạy thận.

Nhân viên CDC Hải Dương thực hiện việc xét nghiệm mẫu phẩm Covid-19.

Th.S BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, về vấn đề chạy thận nhân tạo đối với nhóm bệnh nhân có nguy cơ, việc quan trọng nhất là phải phân luồng giữa các bệnh nhân thận nhân tạo với các bệnh nhân có nguy cơ khác. Bởi bệnh nhân chạy thận nhân tạo là một trong những đối tượng rất dễ mắc Covid-19. Trong quá chạy thận, phải bố trí được khu vực ở và cách ly để các vòng bệnh bên ngoài không xâm nhập được.

“Nếu trong trường hợp Hải Dương có những ca bệnh đầu tiên mắc Covid-19 liên quan đến các trường hợp chạy thận nhân tạo thì bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ hỗ trợ tối đa việc tiếp nhận điều trị”, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Để đảm bảo không có bất kỳ bệnh nhân thận nhân tạo nào mắc Covid-19, tất cả các bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần/tuần ngay sau các buổi chạy thận tại cơ sở y tế. Đồng thời, các bệnh nhân chạy thận có yếu tố dịch tễ có nguy cơ cao cũng sẽ được bố trí ca chạy, máy chạy riêng để đảm bảo an toàn tối đa.

Tính từ 27/1 đến nay, Hải Dương đã có 290 bệnh nhân dương tính với Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa. Tuy nhiên, do vào cuộc sớm, khoanh vùng đúng đối tượng, khả năng kiểm soát dịch sớm tại Hải Dương là hoàn toàn có cơ sở. Theo báo cáo của tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, 3 bệnh nhận được công bố khỏi bệnh tại bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương là BN1664, BN1665, BN1690

Dự kiến, ngay trong sáng mai (7/2), bệnh viện dã chiến thứ 3 của Hải Dương cũng sẽ được bàn giao, đáp ứng thêm 293 giường bệnh để điều trị bệnh nhân Covid-19.