Chính sách

Kiên quyết chống tiêu cực trong xây dựng và thi hành pháp luật

Đề nghị các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác giám sát thi hành pháp luật, giám sát triển khai luật, Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Tại báo cáo số 606 đánh giá tình hình triển khai luật, Nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 và công tác triển khai các Luật, Nghị quyết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5;

Để khắc phục các bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội: 

Kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng liên quan đến lợi ích thiết yếu của người dân; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”

UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho việc thi hành luật, Nghị quyết.

Chính phủ có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; trước mắt cần tập trung chỉ đạo công tác soạn thảo, khẩn trương ban hành 11 văn bản quy định chi tiết thi hành 7 luật, Nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ còn nợ đọng và 39 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương ban hành; khắc phục tình trạng văn bản mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, đình chỉ hiệu lực do không phù hợp.

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương;

Tập trung tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 101, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định không còn phù hợp, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)tại kỳ họp thứ 4.

Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật...

Sau mỗi kỳ họp Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đề nghị Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBTVQH, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội nghị triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp và pháp lệnh, Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại các phiên họp trước đó nhằm thống nhất kế hoạch, biện pháp triển khai, cơ chế phối hợp thực hiện, kịp thời đưa luật, pháp lệnh, Nghị quyết vào cuộc sống.

Cuối nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, Nghị quyết gắn với chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết trong lĩnh vực phụ trách.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ chế giám sát và phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia và vai trò giám sát của Nhân dân đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chú trọng xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp.

Tăng cường giám sát, đôn đốc việc triển khai luật, Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực được phân công phụ trách, trọng tâm là giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, Nghị quyết;

Kịp thời kiến nghị xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, không còn phù hợp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch công tác tháng, quý, năm của cơ quan, đơn vị...

Đồng thời, UBTVQH cũng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác giám sát thi hành pháp luật, bao gồm giám sát việc triển khai luật, Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương, làm rõ các bất cập, hạn chế, các quy định không còn phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.