Kinh tế vĩ mô

Kiến nghị giảm thuế phí đối với xe điện, bộ Tài chính nói gì?

Bộ Tài chính cho rằng, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đối với xe ô tô điện cần được xác định dựa trên mức độ phát thải, mức độ gây ô nhiễm môi trường...

Trình bày tham luận về chính sách cho xe điện và định hướng thời gian tới tại Hội thảo "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam", ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng vụ Chính sách Thuế (bộ Tài chính) đánh giá, để có thể phát triển được ngành công nghiệp ô tô một cách hiệu quả, bền vững đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ với tầm nhìn trung và dài hạn.

Nhiều chính sách ưu đãi hiện có

Ông Trương Bá Tuấn cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, việc sử dụng các giải pháp về thuế, phí, lệ phí để thúc đẩy sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.

“Trong đó, nhiều quốc gia đã có các chính sách về miễn, giảm một số khoản thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế đăng ký, phí sử dụng đường bộ... Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, cấu trúc của hệ thống thuế ở từng nước mà các chính sách hỗ trợ cũng rất khác nhau”, ông Tuấn nêu.

Qua các lần điều chỉnh, hiện hành, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện đang được quy định khá thấp, trong khoảng từ 5% đến 15% tùy theo số chỗ ngồi, trong khi đó mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chạy bằng năng lượng hóa thạch (xăng, dầu) nằm trong khoảng từ 10% đến 150%, tùy theo số chỗ ngồi và dung tích xi lanh.

Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đối với xe ô tô điện cần được xác định dựa trên mức độ phát thải, mức độ gây ô nhiễm môi trường của từng loại xe. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, từ ngày 1/7/2016 đến nay, ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống chạy bằng xăng dầu có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ 35-150%, tuỳ dung tích xi lanh; nếu chạy bằng điện sẽ có mức thuế là 15%. 

Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ ngồi, nếu chạy bằng xăng, dầu là 15% còn chạy bằng điện là 10%. Đối với ô tô chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe chạy bằng xăng, dầu là 10% còn xe chạy điện là 5%.

Với loại xe thiết kế vừa chở người vừa chở hàng, nếu chạy bằng xăng, dầu sẽ chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 15-25% tuỳ dung tích xi lanh còn nếu là xe chạy điện thì mức thuế là 10%.

Bên cạnh đó, thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Theo đó, quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi tắt là sản phẩm CNHT ô tô) quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thời gian thực hiện của Chương trình là 5 năm.

Ngoài ra còn có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô.

Sẽ có thêm chính sách ưu đãi thuế phí 

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô thân thiện môi trường nói riêng trong thời gian tới cần phải dựa trên các yêu cầu.

Trong đó, phải đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, quan điểm và định hướng đã được nêu tại Nghị quyết số 23 Bộ Chính trị. Cần có những chính sách phù hợp để duy trì sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô trong nước.

Với một thị trường ô tô có quy mô còn nhỏ, đang được chia ra cho quá nhiều phân khúc, chủng loại xe thì sẽ rất khó cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khai thác được các lợi thế về quy mô để giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ô tô nhập khẩu.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính).

Việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất, sử dụng ô tô thân thiện môi trường nói chung, xe ô tô điện nói riêng phải có tầm nhìn dài hạn và được gắn với các nguyên tắc của thị trường, phù hợp với đặc thù về điều kiện, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước.

“Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thì bên cạnh tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, sắc thuế này còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết, định hướng tiêu dùng của xã hội”, ông Tuấn nói.

Phó Vụ trưởng vụ Chính sách Thuế cũng nhấn mạnh rằng, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đối với xe ô tô thân thiện môi trường cần được xác định dựa trên mức độ phát thải, mức độ gây ô nhiễm môi trường của từng loại xe, trong đó, loại xe ô tô chạy hoàn toàn bằng pin (ô tô điện chạy pin) cần có sự ưu đãi cao hơn các chủng loại xe khác, ví dụ xe hybrid.

Việc xây dựng các chính sách thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện trong nước cần đảm bảo nhất quán với việc thúc đẩy sự phát triển tổng thể của ngành công nghiệp ô tô. 

Trong đó, cần xử lý hài hòa giữa việc thúc đẩy sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện với chủ trương phát triển các dòng xe ô tô chiến lược khác đã được xác định trong định hướng phát triển dài hạn của ngành công nghiệp ô tô trong nước.