Kinh tế vĩ mô

Kiến nghị điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/9 thay vì lùi tới tận 5/9

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá thành phẩm thế giới biến động mạnh như dầu diesel tăng 16%, vì vậy nếu ngày 5/9 mới điều chỉnh giá có thể gây ra nhiều hệ luỵ.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị về ngày điều hành giá xăng dầu. Theo Hiệp hội, giá thành phẩm thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng, đặc biệt là mặt hàng dầu diesel, tính đến ngày 25/8 đã tăng 16,6% so với kỳ điều hành trước.

Kỳ điều hành tới là vào ngày 1/9, vướng vào kỳ nghỉ lễ 2/9. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xăng dầu thì lao động ngành xăng dầu hầu hết vẫn làm việc bình thường vào ngày này.

Do đó, trong trường hợp này, Nghị định 95 cũng không quy định cụ thể sẽ lựa chọn ngày nào là ngày nghỉ lễ chính thức. Và nếu chọn ngày 1/9 là ngày nghỉ thì việc điều hành giá xăng dầu phải chuyển sang ngày 5/9.

Hiệp hội này lo ngại điều đó sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân trong đảm bảo nguồn cung. Việc lùi thời gian điều chỉnh sẽ tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường.

Do vậy, trên cơ sở tập hợp ý kiến các hội viên, đơn vị này đề nghị Bộ trưởng vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng ngày 1/9, nhằm đảm bảo nguồn cung, đồng thời giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/9 thay vì lùi tới tận 5/9 (Ảnh: Hữu Thắng).

Vấn đề nguồn cung xăng dầu lại một lần nữa được đặt ra, trong khi Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định từ nay tới cuối năm không thiếu nguồn cung thì thực tế lại có tình trạng các đại lý kêu khó.

Tại một số địa phương phía Nam, tình trạng khan hàng, nhất là mặt hàng dầu diesel diễn ra tại nhiều cây xăng. Hiện hàng loạt tàu cá ở Bình Thuận phải nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt hải sản do ngư dân không mua được dầu diesel để chạy tàu.

Trong văn bản phát đi ngày 29/8, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh chỉ đạo khẩn lực lượng QLTT 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt khu vực miền Nam, tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng một số cây xăng tại khu vực có biểu hiện găm hàng, không bán.

Theo đó, cơ quan quản lý yêu câu yêu cầu Cục QLTT các địa phương ngay lập tức chỉ đạo giám sát 24/24, làm việc với các cây xăng cụ thể để không xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa. Nếu xảy ra tình trạng hết hàng hay đóng cửa, đề nghị xử lý ngay lập tức.

"Trường hợp do nhà cung cấp xăng dầu không giao, các Cục QLTT phải làm việc với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý... Nếu phát hiện vi phạm xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo về Tổng cục hoặc Bộ Công Thương để xử lý", Tổng Cục trưởng yêu cầu.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 24/8 tiếp tục tăng nhẹ với kỳ trước. Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 110,2 USD/thùng; xăng RON 95 là 114,24 USD/thùng và 142,64 USD/thùng dầu diesel.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 107,63 USD/thùng xăng RON 92; 111,4 USD/thùng xăng RON 95 và 130,8 USD/thùng dầu diesel.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 22/8), liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá 2 mặt hàng xăng trong nước giữ nguyên như mức thay đổi 11 ngày trước. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 vẫn là 23.720 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.660 đồng/lít.

Đáng chú ý, ở lần điều chỉnh giá này, liên Bộ tiếp tục tiến hành trích lập quỹ bình ổn, nhưng ở mức thấp hơn các kỳ điều hành trước. Cụ thể, mặt hàng xăng trích ở mức 451-493 đồng/lít, dầu diesel 250 đồng/lít, dầu hỏa 400 đồng/lít và dầu mazut là 716 đồng/kg.